![]() |
Liv Schmidt, influencer làm đẹp, từng bị TikTok "cấm cửa" vì đưa ra những lời khuyên về tôn sùng sự gầy gò. Ảnh: @livsschmidt. |
Trào lưu mới mang tên "SkinnyTok" đang lan nhanh trên TikTok, Instagram, Reddit và YouTube, khiến nhiều chuyên gia sức khỏe và tâm lý phải lên tiếng cảnh báo.
Xu hướng này cổ vũ việc nhịn ăn, giảm cân cấp tốc và tự kiểm soát bản thân đến mức cực đoan, coi đây là con đường dẫn đến hạnh phúc hoặc ít nhất là để trở nên "thon gọn", theo New York Post.
Mặc dù TikTok hiện hiển thị cảnh báo khi người dùng tìm kiếm từ khóa “SkinnyTok” và cung cấp các đường dẫn hỗ trợ cho người gặp rối loạn ăn uống. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn làn sóng nội dung độc hại đang âm thầm bủa vây người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Một số khẩu hiệu đang được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nghe như lời cổ vũ cho hành vi hại bản thân: “Nếu bụng bạn đói, hãy tưởng tượng đó là tiếng vỗ tay khen ngợi” hay “Bạn không cần ăn vặt, bạn không phải cún cưng”.
Những câu nói tưởng chừng hài hước này thực chất đang đẩy người xem vào vòng xoáy của sự xấu hổ, mặc cảm và hành vi ăn uống lệch lạc.
Các chuyên gia cho biết đây không phải hiện tượng mới. "SkinnyTok" chỉ là phiên bản mới của các cộng đồng “pro-ana” (ủng hộ chứng biếng ăn) từng xuất hiện vào đầu những năm 2000, nhưng được khoác lên vẻ ngoài hiện đại và thu hút hơn với sự góp mặt của các influencer trẻ tuổi.
![]() |
Xu hướng nguy hiểm đang thúc đẩy việc giảm cân cực đoan và "kỷ luật" độc hại. Ảnh: Adobe Stock. |
Phaith Montoya, một người từng mắc rối loạn ăn uống và hiện là người truyền cảm hứng tích cực về cơ thể, chia sẻ: “Nếu ngày xưa tôi nhìn thấy những nội dung như vậy, chắc chắn tôi sẽ nghĩ mình cần phải làm theo”.
Với thanh thiếu niên - lứa tuổi luôn tìm kiếm sự chấp nhận, trào lưu này đặc biệt nguy hiểm. Họ dễ bị thu hút bởi hình ảnh hoàn hảo trên mạng, dẫn đến tự so sánh, mặc cảm và dần hình thành cảm giác “mình không bao giờ đủ tốt”.
Theo các chuyên gia, điều này có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và các rối loạn ăn uống nghiêm trọng.
Dù TikTok có chính sách không cho phép nội dung cổ vũ hành vi ăn uống lệch lạc, nhiều video vẫn xuất hiện, chỉ bị giới hạn độ tuổi hoặc gỡ khỏi trang đề xuất.
Điều độc hại là người dùng vẫn dễ dàng chủ động tìm kiếm các loại video trào lưu "SkinnyTok" thông qua các hashtag. Đáng lo hơn, một số người dùng dù không có chuyên môn vẫn đưa ra lời khuyên về ăn uống, vô tình đẩy người khác vào con đường nguy hiểm.
“Có thể họ không có ý xấu, nhưng càng làm theo, người ta càng dễ bị ám ảnh”, chuyên gia dinh dưỡng Andrea Mathis cảnh báo.
Chuyên gia khác, Maria AbiHanna, cũng chỉ ra rằng việc ăn kiêng cấp tốc không những không hiệu quả, mà còn phản lại cơ chế sinh học tự nhiên của cơ thể. “Cơ thể con người không được tạo ra để giảm mỡ quá nhanh. Nếu cố tình ép buộc, bạn đang làm tổn hại chính mình”.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.