Nhiều người trẻ ái ngại đồ uống có cồn, ám ảnh những tai nạn "nhớ đời" khi say xỉn. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
4h sáng, sau bữa tiệc tất niên của công ty hồi năm ngoái, Bình An (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngồi trong phòng cấp cứu bệnh viện. Cô và đồng nghiệp gặp tai nạn giao thông khi di chuyển về trong tình trạng ngà ngà say.
Ngồi sau xe máy, Bình An may mắn chỉ bị trầy xước, chấn thương phần mềm. Song, đồng nghiệp nam chở cô lại bị thương khá nặng, phải nằm trong khu vực cấp cứu 10 tiếng đồng hồ để chờ tỉnh táo rồi mới xét nghiệm, kiểm tra thương tích.
Kết luận bệnh viện đưa ra là gãy 3 chiếc răng cửa, chấn động tâm lý nhẹ và rạn xương tay. Hậu quả nặng nề từ buổi liên hoan quá chén khiến cả Bình An và đồng nghiệp đều hối hận.
Sau buổi YEP đó, cô không động đến rượu bia gần một năm, cương quyết lắc đầu khi nhìn thấy đồ uống có cồn. Đến mùa liên hoan cuối năm nay, Bình An lựa chọn bia không cồn để đảm bảo an toàn, tránh tạo ra tai nạn tương tự, đồng thời vẫn có thể chung vui với bạn bè, đồng nghiệp.
“Vết sẹo trên tay nhắc tôi nhớ về tai nạn xe kinh hoàng. Từ lúc đó đến giờ, tôi không dám động vào một giọt đồ uống có cồn”, Bình An chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Những cuộc vui quá chén tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
Những kỷ niệm ‘nhớ đời’ khi say
Giờ nhắc lại buổi tiệc tất niên năm ngoái với công ty, Phúc Thịnh (30 tuổi, quận 3, TP.HCM) còn thấy ám ảnh.
2022 là năm công ty anh kinh doanh thuận lợi, tiệc tất niên được bộ phận nhân sự lên kế hoạch bài bản. Không những dự tiệc gala, từng nhóm nhỏ còn kéo đi tăng 2, tăng 3 sau khi đã ngà ngà say. Tất nhiên, Thịnh cũng là thành viên chủ chốt trong những kèo ăn chơi này.
“Chúng tôi đến một quán nhậu đông đúc khá vui, sau đó tiếp tục kéo nhau lên một quán bar gần đó. Thành thật, hôm đó tôi đã rất say”, anh kể lại.
Vết sẹo lớn trên tay như một lời nhắc nhở Bình An về sự cố trên bàn nhậu. Ảnh: NVCC. |
Dù biết bản thân đã không còn làm chủ được hành động, Thịnh vẫn vô thức uống vì vui. Kết quả, khi đang ngồi trên một chiếc ghế cao ở quầy bar, anh ngã đập mặt xuống đất trong sự hốt hoảng của mọi người.
“Tôi chỉ nhớ khi mở mắt ra đã thấy mình ở bệnh viện. Bác sĩ thông báo tôi bị gãy sụn mũi do va đập mạnh, cần làm phẫu thuật bó nắn lại phần sụn mũi. Tôi như chết lặng. Bữa tiệc tất niên quá say đó làm tôi tốn hơn 20 triệu đồng tiền viện phí”, Thịnh nghẹn ngào nói.
Phương Anh (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng gặp “tai nạn” tương tự khi say xỉn trong buổi tiệc cuối năm cùng đồng nghiệp. Cô vốn không phải là một người có tửu lượng tốt, song lại ham vui và thích nâng ly cùng bạn bè.
Kết thúc buổi tiệc, chân đã đứng không vững, Phương Anh vẫn nằng nặc đòi đi tăng 2. Bia và rượu pha trộn lẫn nhau khiến cô say nhiều hơn nhưng Phương Anh không muốn về lúc cuộc vui lên cao trào.
Loạng choạng bước đi trên đôi giày cao gót 7 cm hôm đó, Phương Anh ngã sõng soài khi tìm đến nhà vệ sinh.
“Cú ngã làm tôi như tỉnh rượu, kết quả tôi bị trật chân, phải đi tìm thầy thuốc đông y nắn lại”, cô kể.
Nhậu an toàn, không say vẫn về
Sau lần nằm viện vì bị gãy sụn mũi, Phúc Thịnh thừa nhận mình bị “sang chấn tâm lý”, thấy bia rượu là sợ, không dám đụng đến. Song, việc từ chối hội họp, gặp gỡ đồng nghiệp, đối tác cũng làm công việc của anh bị ảnh hưởng.
“Phải mất khoảng nửa năm tôi mới đụng lại bia rượu, nhưng cảm giác ‘ớn lạnh’ vẫn chạy dọc sống lưng”, anh kể.
Cuối năm nay, tiệc tất niên, liên hoan lại dồn dập đến, Thịnh không thể nào từ chối hết. Song, anh biết mình vẫn có thể nâng ly, hô hào với mọi người một cách an toàn, vì Thịnh chọn bia không cồn.
“Bia không cồn không khác gì bia bình thường, từ mùi vị cho đến hình thức. Tôi thường gọi riêng vài lon để uống khi mọi người không để ý, tránh bị so bì”, anh nói.
Một số người trẻ sử dụng bia không cồn để cuộc vui trở nên an toàn hơn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Né tránh đồ uống có cồn trong mùa liên hoan cuối năm cũng là trường hợp của Đăng Quang (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội). Năm ngoái, Quang nhập viện vì tình trạng đau dạ dày kéo dài do sử dụng rượu bia liên tục, nhận được chỉ định ngừng dùng đồ uống có cồn từ bác sĩ.
Lo lắng về tình trạng sức khoẻ, song Quang không thể từ chối mọi cuộc vui với bạn bè, đối tác dịp cuối năm. Những câu chuyện, cơ hội làm ăn trên bàn nhậu kéo anh đến mọi bữa tiệc.
Để tránh bị ép rượu, Đăng Quang đưa ảnh chụp giấy nhập viện, đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ, khéo léo từ chối mọi lời mời.
“Năm nay, tôi được bạn bè gọi vui là ‘chiến thần diệt mồi’. Trong khi mọi người nâng ly, tôi ‘xử lý’ đồ nhậu trên bàn ăn”, Quang nói.
Khi kết thúc cuộc vui trong tình trạng tỉnh táo, Quang còn có thể tự lái xe về nhà, đỡ tốn một khoản tiền đặt taxi, cũng không mất thời gian chờ đợi.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.