“Nói chung làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh vừa mất thời gian, vừa mất công, nhiều khi mất thêm cả tiền nhưng vẫn bị hiểu nhầm".
Đó là chia sẻ của chị Hà Thu, phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội. Sau hai năm làm trong ban đại diện phụ huynh của lớp con, chị Thu xin “rút lui" vì không thể chiều theo ý từng phụ huynh trong lớp.
Đủ thứ việc không tên
Chia sẻ với Tri thức - Znews, chị Hà Thu cho biết có làm trong ban đại diện phụ huynh mới thấy ti tỉ thứ việc không tên. Với lớp con chị, khoản đóng góp đầu năm của phụ huynh lên đến vài chục triệu đồng, ban đại diện phải cân đối việc chi tiêu sao cho hợp lý, tránh điều tiếng.
“Nhưng đâu phải cứ chi tiền là xong, mỗi lần có sự kiện, như tổ chức liên hoan cho các con, chúng tôi phải cẩn thận lựa chọn thực phẩm sao cho phù hợp với lứa tuổi, phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Chưa hết, chúng tôi còn phải chiều theo ý các phụ huynh khác trong lớp vì nhiều gia đình không muốn con ăn đồ ngọt, không ăn bim bim, không đồ chiên rán…”, chị Thu kể.
Theo chị Thu, nhiều khi, ban đại diện lớp con chị còn phải bù thêm tiền vào các hoạt động của lớp vì ngại vận động thêm. Nữ phụ huynh cũng cho biết nhiều cha mẹ không quan tâm đến các hoạt động của lớp, phó mặc cho ban đại diện, thành ra họ lại bỏ dở công việc riêng để tham gia và hỗ trợ cô trò.
Tương tự, làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh 8 năm nay, chị Lê Hà (phụ huynh tại Hà Nội) cũng cho biết công việc này không khác gì “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Chị Hà kể mỗi năm, ngoại trừ việc đưa đón, đa số các phụ huynh chỉ đến trường của con 3 lần vào buổi họp phụ huynh đầu năm và tổng kết các kỳ. Nhưng những người làm trong ban đại diện sẽ có mặt thêm cả những buổi họp của trường cùng ban giám hiệu, khai giảng, bế giảng hay các hoạt động chung của trường, lớp như liên hoan, khen thưởng, sinh nhật trẻ…
“Đầu tiên, chúng tôi phải thông tin, lấy ý kiến phụ huynh và học sinh. Sau đó là lên kế hoạch chi, luân phiên mua đồ, chuẩn bị chu đáo và đồng hành cùng các con", chị Hà kể.
Ba người trong ban đại diện không thể lúc nào cũng có mặt vào các dịp, chị Hà kêu gọi các phụ huynh trong lớp thay phiên nhau tham gia để có cơ hội trải nghiệm và đồng hành cùng con.
Ngoài kế hoạch chi, chị Hà cho biết việc thu tiền nhiều khi cũng khiến chị đau đầu. Dù đã được thống nhất và thông qua từ đầu năm, nhiều phụ huynh đã đồng thuận nhưng vẫn chậm đóng quỹ. Có khi, 1/3-1/4 phụ huynh trong lớp đến cuối kỳ mới đóng. Đôi lúc, ban phụ huynh phải ứng tiền trước để chuẩn bị chu đáo cho các con vì không thể chờ đủ 100% quỹ mới tiến hành.
“Chúng tôi cũng không thể nhắc nhở nhiều lần vì đây là khoản tự nguyện, không bắt buộc. Nhưng dù thế nào, ban phụ huynh lớp vẫn cân đối thu chi để tổ chức cho các con được vui vẻ”, chị Hà nói.
Ở mỗi hoạt động, ban phụ huynh đều kê khai chi tiết các khoản chi. Ảnh: Alexey Tulenkov. |
Đủ kiểu hiểu nhầm
“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” là vậy nhưng những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn dính thị phi là "hội phụ thu", là "cánh tay nối dài" của ban giám hiệu để thu những khoản bất chính, hay tham gia vì đặc quyền, đặc lợi của con.
Phản bác quan điểm trên, chị Lê Hà cho rằng những người có quan điểm như vậy thường không làm trong ban phụ huynh để hiểu những công việc họ làm.
Theo chị Hà, về khoản quỹ hội cha mẹ học sinh, ở lớp con chị, các khoản thu, chi đều được công khai, minh bạch từ đầu năm, chỉ khi đạt được sự đồng thuận mới triển khai.
Thứ hai là những khoản đóng góp theo dạng xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường. Đây là khoản khiến nhiều phụ huynh bức xúc nhất, cũng từ đó mà xuất hiện hiểu lầm ban đại diện là “cánh tay nối dài” của nhà trường.
Tuy nhiên, ở trường của hai con chị Hà không có khoản thu cơ sở vật chất này. Mỗi kỳ, mỗi phụ huynh chỉ đóng 100.000 đồng/kỳ quỹ trường. Quỹ này cũng chủ yếu phục vụ hoạt động của học sinh và trong năm học không thu thêm. Nếu có xã hội hóa, nhà trường cũng thông tin minh bạch và khoản thu trên tinh thần tự nguyện nên phụ huynh đồng tình.
Chị Hà cũng cho biết bản thân chị dù đã làm từ hội trưởng đến thành viên ban đại diện, 8 năm nay, chị và hai con hầu như không được nhận một quyền lợi nào. Con cũng không được điểm cao hơn các bạn. Thứ chị nhận nhiều nhất là được đồng hành cùng con trong nhiều hoạt động ở trường và có mặt bên con trong những khoảng thời gian quan trọng của tuổi thơ.
“Tôi cũng bận công việc, nhiều năm từ chối nhưng ít cha mẹ đồng thuận vào ban đại diện, nên lớp lại chỉ định tôi làm tiếp. Vì vậy, tôi vẫn tham gia vì hoạt động chung”, chị Hà chia sẻ.
Tương tự, chị Hà Thu cho biết hai con chị cũng không được ưu ái hay lợi lộc gì từ nhà trường hay giáo viên. Thậm chí, chị còn yêu cầu cô nghiêm khắc hơn với con.
Lý do duy nhất khiến chị làm trong ban đại diện là được tham gia hoạt động cùng con và các con cũng vui khi có mẹ tham gia cùng. Mỗi dịp chị đến trường, hai con chị đều hãnh diện vì được mẹ dành thời gian quan tâm.
Cuối mỗi học kỳ, chị Hà đều có báo cáo chi tiết thu chi tiền quỹ để gửi phụ huynh. Ảnh: NVCC. |
Để phụ huynh đồng lòng
Nhiều năm làm ở ban đại diện cha mẹ học sinh, song chị Lê Hà rất ít khi bị phụ huynh phản ứng chuyện thu tiền đầu năm. Chia sẻ kinh nghiệm, chị cho biết đầu năm học, chị sẽ bàn bạc với ban đại diện cha mẹ học sinh, tham khảo giáo viên để có thông tin đầy đủ về các hoạt động trong một học kỳ, sau đó lên kế hoạch kinh phí dự trù. Họ cũng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em trong lớp để có sự hỗ trợ kịp thời.
Tại cuộc họp, ban đại diện sẽ công khai bản dự trù kinh phí và kêu gọi phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Chị Hà cũng chia sẻ để tránh việc hết quỹ, phải thu thêm, chị thường cân nhắc số tiền được đóng góp dựa trên kế hoạch đầu kỳ để tổ chức các hoạt động sao cho vừa vặn với kế hoạch đầu năm và cũng có dự phòng cho việc phát sinh thêm.
“Để tiết kiệm, tôi cũng kêu gọi phụ huynh ngoài việc hỗ trợ con có thể đóng góp thêm vào các sự kiện như tự làm đồ ăn liên hoan, đem vật dụng từ nhà đến như khăn trải bàn, đồ trang trí, gói bánh, gói kẹo…”, chị Hà chia sẻ
Cuối mỗi học kỳ, chị Hà đều có báo cáo chi tiết thu chi tiền quỹ để gửi phụ huynh. Chị nhấn mạnh nếu liên quan đến tiền, để tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, quan trọng nhất là cách làm việc của ban đại diện phải công khai, minh bạch.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.