Ngơ ngác khi bị tiểu đường
Chị Nguyễn Thị Hoa trú tại Tương Mai, Hà Nội cho biết chị bị tiểu đường hơn 1 năm nay. Từ khi biết mình bị tiểu đường, chị suy sụp vì căn bệnh không chữa được. Trước đó, chị Hoa cảm thấy mệt mỏi, nhưng lúc nào cũng thèm ăn. Chỉ đến khi chị bị tê bì chân tay, đêm khó ngủ đi khám bác sĩ cho biết chị bị tiểu đường biến chứng thần kinh gây tê bì khó ngủ.
Chị Hoa vẫn không tin mình bị tiểu đường vì từ trước đến nay chị ăn rất ít đồ ngọt. Hơn nữa, cơ thể cũng nhỏ không béo thì làm sao có thể bị tiểu đường.
Triệu chứng bỗng dưng thèm ăn của anh Nguyễn Văn Tới trú tại Đống Đa, Hà Nội là điển hình. Anh Tới kể sức khỏe bình thường nhưng khi thấy mình tự nhiên muốn ăn nhiều, uống nước cũng lắm nhưng không tăng cân. Một lần đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đại học Y bác sĩ chẩn đoán anh bị tiểu đường tuyp 2. Anh Tới giật mình vì chẳng có triệu chứng nào ngoài “bỗng dưng ăn nhiều”.
Anh Tới cho biết từ khi bị tiểu đường, anh phải ăn kiêng nhiều. Thậm chí một bữa chỉ dám ăn một bát cơm, không ăn đồ có nhiều chất béo. Bị bệnh và phải ăn kiêng nên lúc nào anh cũng mệt mỏi.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết số 1 ngõ 133 Thái Hà, Hà Nội cho biết bệnh tiểu đường là nguyên nhân tử vong nhiều hơn cả bệnh ung thư vú và HIV/AIDS gộp lại. Bệnh tiểu đường type 2 chiếm tới 90% số trường hợp mắc bệnh nhưng lại thường xuyên được chẩn đoán muộn 7-10 năm (có khi hơn thế). Chẩn đoán muộn khiến cho bệnh nhân bị biến chứng nhiều hơn và nặng hơn. Thử máu định kỳ hàng năm cho đối tượng nguy cơ mắc cao là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm.
Bệnh nhân bị tiểu đường ở bệnh viện Nội tiết trung ương. |
Ăn quá nhiều đường gây ra bệnh tiểu đường?
Bác sĩ Cường cho biết quan niệm ăn nhiều đường gây tiểu đường là hết sức sai lầm. Bình thường các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo mọi người không nên ăn nhiều chất đường vì đường không có lợi nhiều cho sức khỏe và có nhiều đồ ăn khác ngon hơn. Nhưng bản thân chuyện ăn nhiều đường không gây ra bệnh tiểu đường. Bằng chứng là vào thời bao cấp, chúng ta ăn rất nhiều gạo (một loại chất đường), ít chất béo và đạm hơn, nhưng lúc đó đâu có nhiều bệnh nhân tiểu đường.
Bác sĩ Cường cho biết không chỉ sai lầm trong việc ăn đường, nhiều bệnh nhân khi bị chẩn đoán tiểu đường còn ngạc nhiên vì cho rằng mình gày không thể bị tiểu đường được. Cần hiểu đúng là tình trạng thừa cân béo phì được coi là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh. Có rất nhiều người thừa cân béo phì nhưng không bị mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường còn do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp như tuổi tác, lối sống ít vận động, tình trạng kháng insulin, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đa nang buồng trứng, stress, nhiễm độc, đẻ con to do mắc tiểu đường khi có thai, gen gây bệnh và cả những nguyên nhân mà lúc này đây khoa học còn chưa biết hết.
Người mắc tiểu đường không phải ăn chế độ ăn 'kiêng’ khắt khe như đã từng được khuyến cáo. Thay vào đó là chế độ ăn theo hướng dẫn cho bất kỳ người khỏe mạnh bình thường nào khác. Người bị tiểu đường không phải là tuyệt đối không ăn chất béo động vật bão hòa (mỡ động vật, đặc biệt là mỡ trong phủ tạng); hãy ăn thực phẩm đa dạng về nguồn gốc; khối lượng ăn tùy theo thể trạng nếu đang thừa cân: giảm lượng ăn; nhưng nếu đang thiếu cân: phải ăn nhiều hơn. Nếu như trước khi được chẩn đoán bệnh, bạn chưa ăn uống khoa học thì nay là thời điểm tốt để thay đổi.