Xuất hiện các nốt ban đỏ ở chân và lan rộng dần, bà Nguyễn Thị M. (42 tuổi, ở Bắc Kạn) đã tự đi mua thuốc dị ứng để điều trị. Sai lầm này khiến bệnh tình của bà M. tăng nặng, các vết ban đỏ xuất hiện kín chân, lan đến đầu gối và đùi. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bà M. bị viêm mao mạch dị ứng. Bàn chân của bệnh nhân đã bị hoại tử vì không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ phải cắt chi.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Mạnh (ở Thanh Hóa) cũng bị bệnh viêm mao mạch dị ứng 14 năm nay. Căn bệnh dai dẳng khiến anh đau đớn hàng đêm, trằn trọc không thể ngủ. Khi thời tiết thay đổi, bắp chân căng cứng, anh không thể đi lại, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo "Vai trò của thảo dược trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch", PGS.TS Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam, cho hay các trường hợp mắc bệnh như trên không hiếm gặp. Đây là bệnh thuộc hệ miễn dịch, có 2 dạng chính là viêm mao mạch dị ứng và viêm mao mạch hoại tử.
“Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh này là viêm đường hô hấp và lạm dụng thuốc. Hiện, số trẻ viêm đường hô hấp rất cao và tình trạng lạm dụng thuốc khá phổ biến, rất dễ gây nên tình trạng viêm mao mạch dị ứng”, PGS Hưng cảnh báo.
Chuyên gia cho biết bệnh thường xuất hiện ở người trẻ, dưới 20 tuổi. Đây là bệnh lý có biểu hiện đa dạng khó xác định nguyên nhân chính xác và dễ nhầm lẫn với nhiều loại khác như đau khớp, đau bụng, tiểu đường.
Bàn chân của anh Mạnh bị tổn thương nghiêm trọng vì mắc căn bệnh viêm mao mạch dị ứng. Ảnh: BNCC. |
Thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, cũng cho biết viêm mao mạch dị ứng khiến người bệnh rất khó chịu, mất tự ti vì các vết mẩn ngứa khắp cẳng chân. Còn với viêm mao mạch hoại tử, nếu không chữa kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt chi, tháo khớp chi do hoại tử.
Hiện, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1-2 tháng, ăn uống nhẹ nhàng để hạn chế tác động đến đường tiêu hóa.
Theo PGS Hưng, người bệnh được dùng thuốc giảm đau, chống viêm để giảm nhẹ các triệu chứng đau khớp, đau cơ, sốt. Bác sĩ có thể kê corticoid cho bệnh nhân trong trường hợp bị tổn thương thận nặng, dùng theo liều giảm dần. Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị.
Bên cạnh liệu pháp điều trị bằng Tây y, nhiều người tìm đến Đông y để chữa viêm mao mạch dị ứng. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ phương pháp nào, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Các chuyên gia nhấn mạnh viêm mao mạch dị ứng là bệnh khá nguy hiểm, cần được điều trị sớm và nhanh chóng để ngăn chặn biến chứng. Do vậy, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.