Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh khiến 100.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh này.

Ngày 3/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi giới chuyên gia nhanh chóng phát triển vaccine phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (nhiễm trùng Streptococcus nhóm B - GBS). Cơ quan này nhấn mạnh căn bệnh trên khiến thai chết lưu và cướp đi mạng sống hàng trăm trẻ sơ sinh mỗi năm.

Lời kêu gọi khẩn cấp

Một báo cáo của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc và Trường Y học Nhiệt đới, Vệ sinh London (Anh), cho thấy nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B là nguyên nhân gây ra dị tật, sinh non lớn hơn gấp nhiều lần chúng ta có thể tưởng tượng.

WHO gọi các con số này là “báo cáo kinh hoàng”. Từ 2017 đến nay, mỗi năm, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B gây ra 100.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh và gần 50.000 ca thai chết lưu. Hơn 500.000 ca sinh non mỗi năm nhiễm liên cầu khuẩn B và phải chịu những dị tật suốt đời sau đó.

Thậm chí, nhóm chuyên gia cảnh báo số liệu thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Trước những con số đáng báo động, nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc và Trường Y học Nhiệt đới, Vệ sinh London, bày tỏ sự lo lắng vì căn bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa. Các dự án phát triển vaccine này đều chưa có tiến triển, thậm chí bị ảnh hưởng nhiều vì dịch Covid-19.

Benh truyen nhiem anh 1

WHO thống kê nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B gây ra cái chết cho 100.000 trẻ sơ sinh và 50.000 thai chết lưu mỗi năm. Ảnh: iStock.

"Nghiên cứu mới cho thấy liên cầu khuẩn nhóm B là mối đe dọa lớn. Dù vậy, ảnh hưởng của nó không được đánh giá đúng với sự sống còn, sức khỏe của trẻ sơ sinh hay khả năng mang lại những tác động tàn khốc cho rất nhiều gia đình trên toàn cầu", Phillipp Lambach, thành viên Trung tâm Phân tích và Thông tin chi tiết về Tiêm chủng, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, nhấn mạnh.

Vì vậy, WHO kêu gọi các đối tác, nhà nghiên cứu khẩn cấp phát triển vaccine ngừa căn bệnh này cho phụ nữ mang thai. “Vaccine sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia trên toàn thế giới”, thông báo của WHO viết.

Đồng quan điểm, GS Joy Lawn, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Sản nhi của WHO, cho rằng tiêm chủng cho phụ nữ mang thai có thể cứu hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh khỏi căn bệnh này trong những năm tới. Vị chuyên gia cũng thúc giục một nghiên cứu về vaccine ngừa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B được khởi động cách đây hơn 30 năm nhưng chưa có tiến trển.

Trung bình mỗi năm, 15% phụ nữ mang thai trên thế giới, tương đương 20 triệu người, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở vùng kín. Dù vậy, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng. Phụ nữ mang thai nhiễm bệnh này có thể truyền vi khuẩn sang cho trẻ sơ sinh qua ống âm đạo.

Hiện tại, bà mẹ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B được sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để giảm nguy cơ lây truyền sang con. Song, cách tiếp cận này đặt ra vấn đề lớn cho các quốc gia đó là phải sàng lọc chính xác thai phụ nào đang mắc bệnh và sử dụng kịp thời thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ. Quy trình này không dễ thực hiện.

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Anh cũng phát hiện tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai cao nhất tại khu vực châu Phi cận Sahara. Số bệnh nhân ở nơi này chiếm tới 50% ca mắc trên toàn cầu.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng vaccine phòng GBS có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai khi khám định kỳ. Trên 70% phụ nữ mang thai được tiêm phòng có thể ngăn chặn 50.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh, thai nhi mỗi năm.

Benh truyen nhiem anh 2

Vaccine là điều cấp thiết trong lúc này song sau 3 thập kỷ nghiên cứu, giới chuyên gia chưa thể điều chế thành công. Ảnh: The list.

Căn bệnh không thể phòng ngừa khi khởi phát muộn

Streptococcus nhóm B (GBS) hoặc Streptococcus agalactiae là loại vi khuẩn gram dương sống ký sinh ở đường tiêu hóa và sinh dục. WHO cho hay đây là vi khuẩn tồn tại trong đường ruột của 35% người trưởng thành trên toàn cầu. Tại Mỹ, GBS là nguyên nhân truyền nhiễm phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, gây dị tật và tử vong cho trẻ sơ sinh.

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B gây nhiễm trùng khởi phát sớm và muộn ở trẻ sơ sinh. Song, các biện pháp can thiệp hiện tại chỉ có hiệu quả trong phòng ngừa khởi phát sớm.

Nhiễm GBS khởi phát sớm thường xuất hiện trong 24 đến 48 giờ đầu sau sinh. Các triệu chứng bao gồm suy hô hấp, ngừng thở, nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết và viêm phổi thường do nhiễm GBS khởi phát sớm, nhưng hiếm khi có thể xảy ra viêm màng não.

Trẻ sinh non bị nhiễm GBS khởi phát sớm có tỷ lệ tử vong 20-30%, cao hơn nhiều lần so với trẻ sinh đủ tháng (2-3%).

Trẻ sơ sinh và bào thai đặc biệt dễ bị tổn thương vì hệ thống miễn dịch còn yếu, chưa thể chống lại vi khuẩn đang sinh sôi.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B có thể dẫn tới viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng nhất là tử vong. Trẻ em sống sót vẫn có thể bị bại não hoặc nhiều vấn đề về thính giác, thị giác vĩnh viễn.

Với người mẹ, bệnh có thể dẫn tới sốt, viêm màng đệm. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nhiễm khuẩn này dễ bị viêm nội mạc tử cung, viêm tủy xương, viêm bể thận và các nhiễm trùng tăng dần khác dẫn đến nhiễm trùng huyết ở mẹ và sau đó là sinh non.

Tỷ lệ nhiễm GBS trong thai kỳ là 10-30%. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, nhiễm GBS khởi phát sớm xảy ra ở 1% đến 2% trẻ sơ sinh. Báo cáo từ WHO ngày 3/11 cho thấy mỗi năm, liên cầu khuẩn nhóm B khiến 40.000 trẻ sơ sinh bị suy giảm thần kinh.

Trẻ ngủ ít dễ bị chậm nói, học kém

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia tại Anh phát hiện chất lượng giấc ngủ kém liên quan nhiều vấn đề về phát triển nhận thức và trí tuệ ở trẻ.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm