Thuỷ đậu dù được xem là bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng nặng đối với trẻ sơ sinh. Ảnh: Washington Post. |
Trước khi sinh 3 ngày, thai phụ N.T.L. (ngụ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bất ngờ phát hiện bị thuỷ đậu. Em bé cũng được xác định mắc bệnh ngay khi mới chào đời.
Nhận định tình huống đe dọa tính mạng cho em bé, con chị L. ngay sau sinh đã được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, điều trị. Tại đây, bé được cho thở oxy, truyền kháng sinh, truyền dịch điều trị triệu chứng. Sau vài ngày, bệnh nhi đáp ứng thuốc tốt, điều trị hiệu quả và được xuất viện.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đơn vị này còn điều trị cho một trẻ sơ sinh khác cũng mắc thủy đậu diễn biến nặng là bé P.T.M., 22 ngày tuổi, ngụ huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Sau khi sinh 10 ngày, mẹ bé M. mắc thuỷ đậu nhưng vẫn tiếp xúc bình thường với con. Đến 21 ngày tuổi, trẻ có nhiều mụn phỏng nước ở tay, chân, được kê thuốc thoa nhưng không đỡ. Ngày hôm sau, gia đình thấy bé có bỏng nước lan ra toàn thân, kèm theo ho và quấy khóc nhiều, nên đưa vào bệnh viện kiểm tra.
Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh, thuỷ đậu biến chứng viêm phổi nặng, chuyển khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh để thở máy, điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh đường tĩnh mạch. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng bé M. dần ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trúc, khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể gây bệnh nặng. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn; các biến chứng về thần kinh; một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh, bố mẹ nên lên kế hoạch tiêm phòng đầy đủ. Mẹ mắc thuỷ đậu phải được cách ly với trẻ cho đến khi không còn khả năng lây bệnh cho con (thường 2-3 tuần).
Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh có những dấu hiệu mắc thuỷ đậu, phụ huynh không nên tự điều trị tại nhà mà cần đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng gây nguy hiểm cho trẻ.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.