Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM vừa điều trị chứng xoắn buồng trứng cho chị Liên (26 tuổi, ở quận 1). Trước đó, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. Người nhà bệnh nhân cho biết chị Liên nghĩ đau bụng do rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc về uống, nhưng không đỡ.
Sau khi khám lâm sàng, thấy bệnh nhân bị xoắn buồng trứng, các bác sĩ khoa đã tiến hành phẫu thuật, điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Viết Hậu, Phó khoa Cấp cứu, cho biết xoắn buồng trứng phát sinh từ u nang, u đặc buồng trứng. Bệnh hay phát ở các khối u có cuống dài, nhưng cũng có thể xảy ra ngay cả trên buồng trứng bình thường. Bệnh nhân bị xoắn buồng trứng để lâu sẽ hoại tử gây nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Theo bác sĩ Hậu, bệnh nhân Liên đã đến viện kịp thời nên không phải mổ hở, kéo dài thời gian điều trị.
Để tránh tình trạng trên, bác sĩ Hậu khuyên chị em nên đi tầm soát bệnh định kỳ. Qua siêu âm các bác sĩ sẽ phát hiện sớm các u buồng trứng để chữa trị kịp thời.
“Rất nhiều chị em bị đau bụng cấp nguy hiểm như thai ngoài tử cung, xoắn buồng trứng, xuất huyết nang buồng trứng nhưng cứ nghĩ là rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh. Các bệnh lý này nếu không cấp cứu kịp thời, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian để cứu bệnh nhân được tính bằng giờ, bằng phút”, bác sĩ Hậu nói.
Bác sĩ Hậu khám cho bệnh nhân bị xoắn buồng trứng. Ảnh: N.P. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thư, khoa Phụ sản, khuyên chị em khi thấy đau bụng đột ngột, đau nhiều vùng chậu và hạ vị (dưới rốn), uống thuốc giảm đau không giảm, đau liên tục, sốt, buồn nôn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám sớm, tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.