![]() |
Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu do ăn uống thực phẩm hoặc nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Freepik. |
Viêm gan virus A là một bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu do ăn uống thực phẩm hoặc nước không đảm bảo vệ sinh.
Điều dưỡng Thân Thị Phượng, khoa Bệnh lây đường máu (A4-A) - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết dù đa số trường hợp đều nhẹ và có thể tự khỏi, song với những người lớn tuổi hoặc người đã có bệnh gan từ trước, bệnh có thể tiến triển nặng và dẫn đến suy gan cấp tính, rất nguy hiểm.
Virus HAV thuộc họ Picornaviridae, là loại virus RNA không có vỏ bọc, kích thước chỉ khoảng 27-28 nm. Điểm đáng lưu ý là HAV có thể tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, bám trên thực phẩm, nước uống hay các bề mặt bị ô nhiễm.
Tại Việt Nam, viêm gan A vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước không đảm bảo an toàn hoặc thói quen ăn uống chưa hợp vệ sinh. Virus lây chủ yếu qua đường phân - miệng. Người khỏe mạnh có thể nhiễm bệnh khi ăn uống thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, tiếp xúc gần với người mắc bệnh, quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ đường miệng - hậu môn, hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân.
![]() |
Hiện nay, viêm gan A chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: Freepik. |
Thời gian ủ bệnh viêm gan A thường kéo dài từ 14 đến 28 ngày. Các triệu chứng dễ gặp là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt và vàng da, vàng mắt. Trẻ em dưới 6 tuổi thường ít có biểu hiện rõ ràng nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Hiện nay, viêm gan A chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc chăm sóc chủ yếu là hỗ trợ: người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng, đảm bảo bù đủ nước và điện giải.
Bác sĩ cũng khuyến cáo tránh dùng các thuốc có thể gây hại cho gan, chẳng hạn như paracetamol. Hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng và sẽ có miễn dịch suốt đời. Tuy vậy, người bệnh vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý nếu xuất hiện dấu hiệu suy gan cấp.
Theo điều dưỡng Phượng, tin vui là viêm gan A hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vaccine viêm gan A hiện là biện pháp an toàn và hiệu quả. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo tất cả trẻ em từ 12 đến 23 tháng tuổi nên được tiêm ngừa. Người lớn chưa tiêm và thuộc nhóm nguy cơ cao như người du lịch đến vùng có dịch, người nghiện ma túy, nam quan hệ đồng giới hoặc có bệnh gan mạn tính cũng nên tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường luôn đóng vai trò quan trọng. Mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
Thực phẩm cần được nấu chín kỹ, uống nước đã đun sôi, tránh ăn hải sản sống hoặc chưa chín. Phân và rác thải phải được xử lý đúng cách, nguồn nước sinh hoạt cần được kiểm tra để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc.