Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 500 triệu người bị loãng xương. Ở Việt Nam, con số này lên tới 3,6 triệu trường hợp. Tuy nhiên, điều đáng nói là khoảng 70-80% người bệnh loãng xương chưa được chẩn đoán và điều trị.
Bệnh lý thầm lặng
Theo tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, loãng xương là kết quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Trong đó, quá trình hủy xương chiếm ưu thế.
Cụ thể, vị chuyên gia phân tích nguyên nhân gây loãng xương thường được chia thành 2 nhóm gồm nguyên phát và thứ phát.
“Loãng xương nguyên phát là những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính”, TS Ngọc nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BVCC. |
Mặt khác, loãng xương thứ phát gồm các nguyên nhân cụ thể như bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận…), thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay vấp ngã)...
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Châu Tuấn, khoa Nội Cơ Xương Khớp, nhận định loãng xương là bệnh diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng đặc trưng.
“Chỉ khi mật độ xương giảm nặng dẫn đến những cơn đau dai dẳng hoặc các biến chứng của gãy xương như biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống và một thay đổi như giảm chiều cao, gù… người bệnh mới nhận ra”, chuyên gia cảnh báo.
Gãy xương do loãng xương thường xuất hiện ở các vị trí xương xốp và chịu áp lực lớn như xương cột sống (cột sống ngực và cột sống thắt lưng), xương vùng hông (cổ xương đùi, liên mấu chuyển) và xương cẳng tay.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau mạn tính, tàn phế, từ đó giảm chất lượng cuộc sống, mất chức năng và buộc bệnh nhân phải phụ thuộc vào người khác, mang lại nhiều gánh nặng cho việc chăm sóc cũng như điều trị.
Các chuyên gia cũng thừa nhận tình trạng này thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.
Phát hiện loãng xương từ sớm để điều trị
TS Cao Thanh Ngọc khuyến cáo các nhóm đối tượng gồm phụ nữ trên 65 tuổi; nam giới trên 70 tuổi; nữ giới mãn kinh; nam giới từ 50 đến 69 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương; người trên 50 tuổi từng bị gãy xương... cần đo mật độ xương sớm để tầm soát và đánh giá loãng xương.
Vị chuyên gia cho hay: “Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp song song giữa phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (thực hành vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bổ sung dinh dưỡng…”.
Cụ thể, người bệnh loãng xương khi đi khám sẽ được các bác sĩ điều trị dựa trên phác đồ xây dựng phù hợp với từng trường hợp. Song song với đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân một số bài tập vận động phục hồi chức năng cùng chế độ ăn uống phù hợp.
Loãng xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya. |
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Châu Tuấn cho rằng để đạt được hiệu quả điều trị tối đa cũng như phòng ngừa các biến chứng, người bệnh loãng xương cần phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Trong đó, ông nhấn mạnh người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì thói quen vận động cơ thể nhằm tăng sức bền, khả năng giữ thăng bằng, đồng thời tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia.
Đáng lưu ý, trong quá khứ, thế giới đã ghi nhận một số trường hợp loãng xương do thường xuyên sử dụng thuốc giảm béo có chứa thành phần chất lợi tiểu và hormone tuyến giáp trạng.
Về cơ chế, thuốc lợi tiểu giúp chống phù thũng, bài tiết nước nhanh hơn và giúp đào thải chất béo. Tuy nhiên, khi sử dụng dài ngày, những chất lợi tiểu này cũng bài tiết canxi trong xương và máu dẫn đến thiếu hụt canxi nghiêm trọng và lâu dần gây loãng xương.