Những trường hợp bị nghi vấn
Có thí sinh ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) bị cận 14 độ, ngoài kính ra em đó còn phải dùng thêm một thiết bị nữa để nhìn mới đọc được đề và làm được bài thi. Với thiết bị lạ này, thí sinh đã phải làm cam đoan, đưa ra đủ giấy khám, địa chỉ mua thiết bị. Hội đồng thi và cơ quan an ninh đã kiểm tra thiết bị của em đó, thấy thiết bị không có giác cắm, không có chức năng thu phát thông tin… nên đã cho phép thí sinh được sử dụng trong khi làm bài thi.
Còn một trường hợp ở Viện ĐH Mở, buổi thi đầu tiên giám thị phát hiện có thí sinh đeo tai nghe, dù hôm đến làm thủ tục không thấy. Vừa đeo tai nghe thí sinh này lại vừa… mấp máy môi. Khi giám thị hỏi, thí sinh tỏ ra lúng túng, cho biết mình bị nghễnh ngãng. Giám thị đã yêu cầu thí sinh cam kết, nói rõ nguồn gốc thiết bị, nơi mua, bác sĩ khám bệnh. Gia đình thí sinh cũng đã tới và cam đoan về tình trạng sức khoẻ của thí sinh. Sau xác định thí sinh đó thật sự bị nghễnh ngãng, và thiết bị thí sinh mang vào đúng là dùng để trợ thính, em đã tiếp tục được sử dụng thiết bị trợ thính này để làm bài thi.
Đối với chiếc đồng hồ “lạ” được phát hiện ở Học viện Cảnh sát nhân dân sáng ngày 4/7, ông Chính cho biết việc lợi dụng đồng hồ lưu trữ thông tin để mang vào phòng thi đã được phát hiện từ hai năm trước trong một kỳ thi của trường ĐH Nông nghiệp (không phải thi tuyển sinh).
Khi đó, có thí sinh đã sử dụng chiếc đồng hồ tương tự để nhập tới 32 đáp án. “Những chiếc đồng hồ có chức năng hiển thị và lưu trữ một lượng lớn thông tin. Nếu phát hiện được, giám thị cần giữ ngay ở ngoài phòng thi, vì việc này không ảnh hưởng gì tới chất lượng thi của các em. Còn nếu các em vẫn cố tình mang vào, giám thị phải giám sát hành vi của thí sinh đó trong thời gian làm bài” – ông Chính khuyến cáo.
“Không thể hiểu nổi thí sinh mang điện thoại”
Đây là lời cảm thán của ông Chính với hàng chục trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi, ông Chính cho biết tất cả thí sinh vi phạm mang điện thoại vào phòng thi là với những lý do khác chứ không phải sử dụng để gian lận. “Có một trường hợp ở ĐH Điện lực sau khi thi được 20 phút điện thoại của thí sinh đổ chuông. Chúng tôi đã kiểm tra ngay thì chỉ là do bạn bè vô tình gọi đến. Chưa phát hiện một trường hợp nào định sử dụng điện thoại nhằm mục đích gian lận”
“Thí sinh đã được nhắc rất nhiều lần về việc này, mà các em vẫn mắc. Các em vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với quy định tương tự, tiếp đó là ddược nhắc trực tiếp tới 3 lần: Khi đến làm thủ tục dự thi các em đã được giám thị nhắc nhở. Trước khi vào phòng thi được nhắc thêm lần nữa. Trước khi đến giờ làm bài giám thị lại nhắc tiếp. Chưa kể các em cũng được biết quy định này từ khi đang học phổ thông vì đây không phải là quy định mới. Vì vậy mà tôi không thể hiểu nổi tại sao vẫn có những em vi phạm lỗi này”.
Cảnh giác cao độ với công nghệ cao
Thị trường có hàng trăm thiết bị công nghệ cao dùng vào việc thu phát, lưu trưc thông tin, có những thiết bị với kích thước chỉ 3x3mm. “Đã nhiều người hỏi về việc xử lý đối với các thiết bị giám sát lưu trữ công nghệ cao. Theo quy định của pháp luật không thể cấm người ta bán, nhưng có thể xử lý với người sử dụng về các hành vi xâm phạm bí mật đời tư, trộm cắp tài liệu…” – ông Chính cho biết.
Mặc dù chưa phát hiện trường hợp thí sinh vi phạm trong đợt thi đầu, nhưng đây cũng là mối quan tâm của các hội đồng thi và giám thị. Theo ông Chính, với những thiết bị bị quá bé, quá tối tân, hoặc những thiết bị phát hiện rồi nhưng không biết có đúng tính năng như Bộ cho phép là chỉ có chức năng ghi âm ghi hình không thu phát hay không, vấn đề duy nhất đặt ra ở đây là vai trò, trách nhiệm của nhà trường, của điểm thi và đặc biệt là cán bộ coi thi.
“Chỉ trong phòng thi là nơi duy nhất không có lực lượng công an. Vì vậy, vai trò giám sát của giám thị rất quan trọng” – ông Chính khẳng định. “Giám thị cần lưu ý ở chỗ những thí sinh nào đã mang vào chắc chắn sẽ tìm cách sử dụng. Hành vi của em đó sẽ khác với hành vi của những thí sinh đang tập trung làm bài: thái độ lén lút, động tác tay chân không bình thường. Tuy vậy, cần để ý tinh tế, nhắc nhở tế nhị, không làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh trong phòng thi”.
Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình (không có chức năng truyền tin) vào phòng thi gây ra những e ngại về việc thí sinh có thể lợi dụng để mang thiết bị vào chụp đề thi rồi quẳng ra ngoài, phát tán đề thi trước thời gian cho phép. Ông Chính cho biết, để đề phòng trường hợp này, an ninh đã yêu cầu các hội đồng thi có phòng thi sát đường đi phải đóng tất cả cửa sổ phía đường. Bên ngoài khu vực này phải có giám thị, cán bộ an ninh. Nếu phát hiện có người nhặt vật rơi gần khu vực phải kiểm tra ngay.
Theo quy định, tất cả các hội đồng thi phải tắt thiết bị phát sóng wifi trong thời gian thi. Dù vậy, không thể tránh khỏi tình trạng vẫn có sóng Wifi của các thuê bao khác trong khu vực. “Đây cũng sẽ là việc các hội đồng thi phải đối mặt lâu dài, khi xu thế chung khi wifi ngày càng phổ biến, thậm chí như Hội An cả thành phố phủ sóng wifi miễn phí. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu muốn lợi dụng để gian lận thí sinh vẫn phải sử dụng thiết bị, khi dó lại quay trở lại câu chuyện về hành vi của thí sinh trong phòng thi. Và như vậy, vai trò giám sát của giám thị vẫn là yếu tố quyết định để phát hiện” – ông Chính nhấn mạnh.