Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cần cả ngôi làng để chăm một đứa trẻ, một số người may mắn có Boram

Với giá hơn 1.000 USD một đêm, những người mẹ mới sinh có thể sống sang trọng tại khu tĩnh dưỡng sau sinh ở New York (Mỹ), được chăm sóc những nhu cầu quan trọng nhất.

sinh con anh 1

Jennifer Jolorte Doro và con gái JP. Sau khi tìm kiếm một doula trợ giúp sau khi sinh con, Doro nhận thấy cô có rất ít lựa chọn. Vì vậy, thay vào đó, cô đã đăng ký vào Boram Postnatal Retreat. Ảnh: New York Times.

Khi bác sĩ Alicia Robbins sinh đứa con thứ nhất rồi tới đứa thứ hai, cô cũng như hầu hết sản phụ khác, đều cảm thấy choáng ngợp khi rời bệnh viện.

Nữ tiến sĩ hiện 41 tuổi này vốn là một bác sĩ sản phụ khoa, nhưng không phải vì vậy mà chuyện sinh nở của cô dễ dàng hơn. Robbins cho biết cả hai lần, việc sinh con “khó hơn tôi tưởng rất nhiều”.

“Tôi luôn tự hỏi liệu việc cho con bú quá khó khăn hay tôi cảm thấy lo lắng có ổn không. Tôi liên tục tự hỏi: ‘Đây có thực sự là điều bình thường mới của tôi không?’”, cô trải lòng.

Robbins kể lại rằng mẹ của cô lặn lội từ Arizona tới giúp đỡ, “nhưng mẹ giống như phát nản”. “Tôi yêu mẹ tôi, Chúa phù hộ cho bà, nhưng chúng tôi tranh cãi rất nhiều, về những vấn đề như sao phải khử trùng máy hút sữa tới 3 giờ”.

Vì vậy, khi Robbins, sống ở Greenwich, Connecticut, sinh đứa con thứ ba (Otto) vào hôm 5/4/2022, cô đã không ngần ngại nắm lấy cơ hội vào một khu nghỉ dưỡng dành cho những bà mẹ có điều kiện đến cùng đứa con mới sinh. Những “khóa” nghỉ dưỡng như vậy thường không phải ai cũng tiếp cận đường.

Khu nghỉ dưỡng có tên Boram Postnatal Retreat này do Boram Nam và chồng - Suk Park - thành lập, nằm trên tầng 9 của một khách sạn năm sao ở New York. Nam chia sẻ: “Chúng tôi ở đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi giữa bệnh viện và nhà”. Khu nghỉ dưỡng khai trương vào dịp Ngày của Mẹ năm 2022. (Nam cho hay cô và chồng đặt tên cho khu nghỉ dưỡng là Boram vì trong tiếng Hàn, nó có nghĩa là “kết quả sau khi làm việc chăm chỉ”).

Với mức giá đắt đỏ 1.300-1.400 USD mỗi đêm, một phụ nữ vừa mới sinh con được phục vụ những nhu cầu cần thiết nhất (chăm sóc thể chất và tinh thần; còn việc chăm sóc y tế do bác sĩ bên ngoài của sản phụ đảm trách). Ngoài ra, còn có những đặc quyền khác như ngủ, xoa chân theo yêu cầu, “banh mi” giao đến tận phòng và một chiếc máy hút sữa được làm sạch sau mỗi lần sử dụng. Hầu hết khách ở lại 3, 5 hoặc 7 đêm.

"Giống như thiên đường dành cho bệnh nhân sau sinh"

Bác sĩ Robbins đến khách sạn khoảng một tháng sau khi Otto chào đời; cô biết về Boram từ một đồng nghiệp. Đây là lần sinh mổ thứ ba của người mẹ này và cô thấy việc phục hồi sau phẫu thuật rất khó khăn - thậm chí còn khó khăn hơn vì cô có một đứa con 4 tuổi và 2 tuổi ở nhà.

Khi đến Boram, cô kiệt sức cả về tinh thần và thể chất. Vậy nên, bồn tắm lát đá cẩm thạch, vòi sen phun mưa, máy pha cà phê Nespresso và chiếc giường Duxiana Thụy Điển, khiến cô được xoa dịu. Căn phòng của cô cũng được trang bị nôi cấp bệnh viện và bỉm Coterie thân thiện với môi trường. Các món trong thực đơn bao gồm các loại thực phẩm được cho là có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho các bà mẹ mới sinh: Súp rong biển, tủy xương và bít tết.

sinh con anh 2

Chỉ 3 phút sau khi tới Boram Postnatal Retreat, Alicia Robbins đã gửi ngay Otto đến nhà trẻ, và cô đi ngủ. Ảnh: New York Times.

Cô trải nghiệm phòng nghỉ chân của mẹ, một không gian thanh bình với cây cối và những chiếc ghế dài ấm cúng. Có bánh quy, ít nhất nửa tá các loại trà và một tủ lạnh chứa đầy đồ uống bổ dưỡng. Phòng nghỉ chân cũng là nơi Boram mời các bác sĩ nhi khoa, nhà trị liệu vật lý và chuyên gia sức khỏe tâm thần tổ chức các cuộc hội thảo chung về các chủ đề bao gồm liệu pháp sàn chậu và cách đi vào giấc ngủ nhanh hơn.

Tuy nhiên, phần yêu thích của Robbins là phòng trẻ, do cựu nhà giáo dục y tá Bệnh viện Lenox Hill N.I.C.U. và đội ngũ nhân viên có kiến thức nền tảng về chăm sóc trẻ sơ sinh, giúp trông chừng em bé bất cứ khi nào người mẹ cần.

Tiến sĩ Robbins nói: “Chỉ 3 phút sau khi tới đó, tôi đã gửi ngay Otto đến nhà trẻ. Và tôi đi ngủ”.

“Tôi thậm chí còn đọc một cuốn sách” (trong 3 đêm ở đó, và chồng cô ở lại một đêm”, cô nói.

“Đây giống như thiên đường dành cho những bệnh nhân sau sinh”, tiến sĩ Robbins nói.

Rất nhiều phụ nữ đã phải nín lặng chịu đựng

Ngay cả những phụ nữ đã dành cả 9 tháng để chuẩn bị cho ngày được đưa em bé về nhà, cũng bị sốc khi ngày đó thực sự diễn ra.

Tiến sĩ Robbins cho biết phụ nữ thường xuyên phải tìm chuyên gia tư vấn riêng về việc cho con bú và trị liệu để giúp giải quyết vấn đề trầm cảm sau sinh.

“Các bác sĩ có thể cho bạn một số điện thoại để gọi, nhưng phần lớn bạn phải tự mình sắp xếp mọi thứ và thậm chí không biết mình cần gì cho đến khi thực sự quăng mình vào đó”, tiến sĩ Robbins nói.

“Nhiều bà mẹ từ bệnh viện về nhà chỉ với một tập tài liệu chứa đầy những cuốn sách nhỏ; những người khác dựa vào các nhóm Facebook”, cho cho biết.

Kristin Sapienza, người sáng lập FemFirstHealth, một phòng khám ở thành phố New York chuyên cung cấp dịch vụ cho các bà mẹ sau khi sinh con, cho biết sức khỏe sau sinh là điều phần lớn bị bỏ qua ở Mỹ.

sinh con anh 3

Tiến sĩ Robbins đã ở lại Boram cùng với đứa con thứ ba, Otto. Ảnh: New York Times.

Mỹ có tỷ lệ tử vong ở người mẹ cao hơn các nước phát triển khác và phụ nữ da màu bị ảnh hưởng nhiều hơn. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia, số ca tử vong ở người mẹ - những phụ nữ chết trong khi mang thai hoặc ngay sau đó - đã gia tăng trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở người da đen và người Latinh.

Cô nói: “Tôi nghĩ nhiều phụ nữ phải chịu đựng trong im lặng hoặc không nhận được những nguồn lực họ cần”.

Catherine Monk, giáo sư về sức khỏe tâm thần phụ nữ về sản phụ khoa tại Đại học Bác sĩ và Bác sĩ Phẫu thuật Vagelos thuộc Đại học Columbia, nhận định: “Nếu chúng ta thực sự hỗ trợ việc nuôi dưỡng gia đình như Thụy Điển hoặc các khu vực khác ở Tây Âu, nơi việc thăm khám tại nhà sau sinh là một phần của chăm sóc sức khỏe toàn dân, thì chúng ta thậm chí sẽ không cần một cơ sở như thế này”.

Paige Bellenbaum, giám đốc sáng lập của Trung tâm Motherhood, một cơ sở điều trị lâm sàng ở thành phố New York dành cho những người mẹ mới sinh và sắp làm mẹ gặp phải rối loạn lo âu và trầm cảm chu sinh, cho biết: “Tất cả người mới làm mẹ đều nói về sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ dành cho họ trong thời kỳ hậu sản”.

Hầu hết phụ nữ không thăm khám bác sĩ riêng cho đến 6 tuần sau khi sinh. Bà Bellenbaum nói đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn đề, khiến phụ nữ cảm thấy cô đơn, bị cô lập và bất lực hơn.

Boram là một phần trong số ngày càng nhiều công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người mới làm mẹ khi họ xuất viện.

Như muối bỏ bể

Nam cho biết cảm hứng của cô được khơi gợi từ các trung tâm tĩnh dưỡng sau sinh ở Hàn Quốc tên là sanhujori, nơi “các sản phụ mới sinh đến sau khi xuất viện 14 ngày để được chiều chuộng”. Chi phí trung bình cho một kỳ nghỉ hai tuần là khoảng 2.000 đến 5.000 USD, dù không hề rẻ nhưng chúng vẫn dễ tiếp cận hơn một chút so với những nơi như Boram.

sinh con anh 4

Boram Nam đồng sáng lập một cơ sở tĩnh dưỡng sau sinh tại một khách sạn năm sao ở New York dành cho những người mới làm mẹ, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tinh thần 24/7. Ảnh: Fortune.

Sanhujori là một truyền thống lâu đời sau sinh vì vài tuần sau khi người phụ nữ sinh con được coi là rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của mẹ và con. Baek-il là một truyền thống khác, trong đó các mẹ và trẻ sơ sinh nghỉ ngời trong 100 ngày đầu tiên sau khi sinh. Vào ngày thứ 100, họ ăn mừng.

sinh con anh 5

Phòng của Sophia Cho ở Boram. Cô nói: “Đây là đứa con đầu lòng của tôi và ‘kinh hoàng’ có lẽ là từ chính xác nhất để diễn tả cảm giác của tôi". Ảnh: New York Times.

Nam cho biết các trung tâm sau sinh, xuất hiện khoảng 15 năm trước ở Hàn Quốc, là bước tiến tự nhiên cho một nền văn hóa ưu tiên chăm sóc những người mẹ mới sinh. “Ý nghĩa ở đây là bạn có gia đình và bạn bè, những người có thể giúp bạn chăm sóc con cái hoặc cung cấp thực phẩm và đảm bảo rằng bạn không đơn độc”.

Sau khi sinh con đầu lòng và kế đó là bé thứ hai tại bệnh viện ở thành phố New York vào năm 2010 và 2014, Nam cảm thấy cần phải làm điều này.

Chia sẻ với Fortune trong một bài phỏng vấn vào tháng 11/2023, Nam nói rằng không thể hiểu được cảm giác tội lỗi, căng thẳng và sợ hãi mà mình đã trải qua. Lúc đó, chồng cô đang làm việc tại công ty khởi nghiệp của họ và bố mẹ cô sống ở Hàn Quốc. Cô phải tự mình giải quyết cảm giác đau khổ của mình.

“Tôi không ăn mừng… Tôi chỉ cảm thấy thực sự tội lỗi, và điều đó nuốt chửng tôi”, cô nói với Fortune.

“Sau khi sinh con đầu lòng, tôi đang trong phòng tắm tìm túi chườm đá trong khi đứa con sơ sinh đang gào khóc trong phòng khách”, Nam kể lại trong bài phỏng vấn với New York Times. “Tôi rất đau buồn vì cảm thấy mình không được chăm sóc trong khi tất cả bạn bè ở quê nhà có thể tới những trung tâm chăm sóc sau sinh tuyệt vời như vậy”.

Cô thậm chí còn cân nhắc việc quay trở lại Hàn Quốc để sinh đứa con thứ hai nhưng thay vào đó đã quyết định mở một cơ sở nghỉ dưỡng sau sinh ở ngay tại New York. Tám năm sau, vào tháng 5/2022, Boram khai trương.

Tiến sĩ Monk cho biết kiểu chăm sóc hay truyền thống này tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Ví dụ, ở các nền văn hóa Mỹ Latinh, một người mẹ mới sinh sẽ nghỉ ngơi trong 40 ngày, trong thời gian được gọi là “la cuarentena” (hay “cách ly”), trong khi những người trong cộng đồng làm việc nhà cho cô ấy và mang súp nóng, tốt cho sức khỏe tới tiếp tế.

sinh con anh 6

Từ trái sang, Justine Lee-Mills, Sophia Cho và Kelly Conroy trong phòng nghỉ chân của mẹ ở Boram. Ảnh: New York Times.

Cô cho biết ở Trung Quốc, các mẹ mới sinh có một tháng ở cữ được gọi là “zuo yuezi” - hay trong tiếng Quan thoại là “tháng ngồi nghỉ” - khoảng thời gian mẹ hồi phục sức khỏe và sự gắn kết với con sau khi sinh bằng cách ở nhà.

Tiến sĩ Monk nói: “Tôi có những bệnh nhân thuộc cộng đồng Do Thái Chính thống, họ kể rằng họ đến khách sạn trẻ em ở quận Rockland. Người mẹ và em bé sơ sinh có người khác chăm sóc ở đó”.

“Nhiều nền văn hóa có một số hình thức thừa nhận rằng khoảng thời gian sau sinh là thời điểm rất khó khăn và đặc biệt, và một người phụ nữ cần được hỗ trợ cho mình và đứa trẻ”, vị tiến sĩ nhấn mạnh.

Tiến sĩ Monk cho biết ọi người mẹ mới sinh đều xứng đáng có một nơi như Boram. “Nếu có thể thiết kế một nơi lý tưởng thì chính là nơi này, những người mẹ mới sinh biết mình được chăm sóc ở đó”.

Tuy nhiên, với mức giá quá cao như vậy, Boram hiện chỉ dành cho những người có đủ khả năng chi trả - và dù không có Boram thì họ cũng là những người vẫn đủ khả năng thuê y tá ban đêm, bảo mẫu, doulas (hộ lý trợ sản đồng hành) và chuyên gia tư vấn cho con bú. Tiến sĩ Monk nói: “Boram giống như một miếng băng cứu thương nhỏ cho cả một vấn đề rộng lớn”.

sinh con anh 7

Sophia Cho và con gái, Selah. Người mẹ trẻ trải lòng: “Bạn có thể đọc tất cả sách vở, nhưng không gì diễn ra hết được việc thay bỉm tã, cho ăn và dõi theo đứa bé luôn gào khóc. Tôi thật sự có chút choáng ngợp". Ảnh: New York Times.

Boram Nam biết rằng có rất nhiều rào cản. “Chúng tôi đang đàm phán với các công ty để gói nghỉ dưỡng của chúng tôi có thểm nằm trong phần phúc lợi cho nhân viên của công ty”, Nam cho biết. “Về sau, chúng tôi muốn hợp tác với các công ty bảo hiểm”.

Tuy nhiên, hiện tại, công ty khẳng định cần phải tính giá cao để duy trì mức dịch vụ. Cô nói: “Chúng tôi phải tính phí tương đương với dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp”.

Jennifer Jolorte Doro, 35 tuổi, là chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và đầu bếp sau sinh sống ở Millbrook, New York, một ngôi làng ở Thung lũng Hudson. Sau khi sinh đứa con thứ hai, JP, vào ngày 13/4/2022, cô đã tìm kiếm một doula nhưng nhận thấy ở khu vực của mình không có nhiều ứng viên. Vì vậy, thay vào đó, cô đã đến Boram khoảng ba tuần rưỡi sau khi sinh con.

Cô đặc biệt yêu thích đồ ăn của khách sạn.

“Những bữa ăn là điều cuối cùng bạn nghĩ đến, nhưng đó lại là thứ bạn cần nhất”, cô chia sẻ.

Sophia Cho, 33 tuổi, một nhà thiết kế đồ họa, đến Boram một tháng sau khi sinh con gái Selah. Khách sạn chỉ cách nhà cô ở Chelsea vài dãy nhà, nhưng nó mang lại cảm giác khác xa hoàn toàn với căn hộ ở thành phố New York của cô.

“Đây là đứa con đầu lòng của tôi và ‘kinh hãi’ có lẽ là từ chính xác nhất để diễn tả cảm giác của tôi”, Cho nói. “Bạn có thể đọc tất cả sách vở, nhưng không gì diễn ra hết được việc thay bỉm tã, cho ăn và dõi theo đứa bé luôn gào khóc. Tôi thật sự có chút choáng ngợp".

Trong 5 ngày lưu trú, cô nhận thấy các buổi học nhóm, đặc biệt là buổi học về nuôi con bằng sữa mẹ, là hữu ích nhất. Cô nói: “Có một chuyên gia tư vấn về việc cho con bú luôn túc trực và tôi đang gặp khó khăn trong việc nuôi con gái mình nên việc có được kiến thức chuyên môn đó rất có giá trị”.

sinh con anh 8

Cho và bé Selah. Ảnh: New York Times.

Lấp đầy "ngôi làng"

Tiến sĩ Monk cho rằng trên thực tế, việc hình thành một cộng đồng là điều cần thiết cho sức khỏe tinh thần của người mẹ và sức khỏe thể chất của em bé. Cô nói: “Chúng tôi đã xuất bản một bài báo vào năm 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, trong đó chúng tôi chia mọi người thành ba nhóm: Căng thẳng về thể chất, căng thẳng về tâm lý và khỏe mạnh”.

“Những người trong nhóm bị căng thẳng có số lượng người hỗ trợ trong cuộc sống, người để trò chuyện và hỗ trợ xã hội thấp hơn nhiều. (Có người chạy việc vặt cũng rất quan trọng)”.

sinh con anh 9

Melina Hope (trái) và Ariana Guilford (phải) là nhân viên nhà trẻ. Hope nói: “Tôi muốn lấp đầy ‘ngôi làng’ để hỗ trợ các bà mẹ trong giai đoạn hậu sản dễ bị tổn thương”. Ảnh: New York Times.

Melina Hope từng là cộng tác viên chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lenox Hill trước khi trở thành trợ lý điều dưỡng tại Boram; cô cho biết toàn bộ nhân viên cố gắng tạo ra sự hỗ trợ cho những người mới làm mẹ. “Tôi thấy mục tiêu của mình là lấp đầy ‘ngôi làng’ để hỗ trợ các bà mẹ trong giai đoạn hậu sản dễ bị tổn thương”, Hope chia sẻ, trong đó có ý đề cập tới câu ngạn ngữ nổi tiếng của châu Phi: "Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ".

Cô Hope, 43 tuổi và sống ở North Bergen, New Jersey, cho biết khi cô làm việc tại bệnh viện, các bà mẹ chủ yếu sẽ được chăm sóc y tế và nếu không có biến chứng, họ sẽ về nhà sau một hoặc hai ngày với rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Tại Boram, cô có thể dành thời gian riêng với các bà mẹ và thực sự giúp đỡ họ.

“Sự khác biệt giữa cách họ bước vào và cảm giác nghỉ ngơi, tự tin khi về nhà là rất đáng chú ý”, cô nói.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Hạ Cúc

Bạn có thể quan tâm