Đối với hầu hết kỹ thuật xạ trị vùng não, khu vực đầu cổ, bệnh nhân cần dùng mặt nạ trong mỗi buổi xạ trị. Các thông số của mặt nạ xạ trị cần được thực hiện chính xác gần như tuyệt đối, vừa vặn với khuôn mặt. Chiếc mặt nạ giúp cố định tư thế, giúp việc xạ trị hiệu quả nhất có thể. |
Sau nhiều lần được các y bác sĩ và cả mẹ thuyết phục, bé Hoàng Đức (6 tuổi) mới ngoan ngoãn nằm lên bàn cố định để làm mặt nạ. Chị Lưu Thị Hoan (38 tuổi, Đắk Lắk), mẹ của bệnh nhi, phải dỗ dành và động viên. "Con vào làm trước, con làm xong rồi mẹ sẽ vào làm một chiếc. Hai mẹ con mình mang mặt nạ đi chơi", chị Hoan hôn má con trai, thủ thỉ. |
Nghe lời mẹ, Đức nằm lên bàn cố định, sau lưng là miếng đệm xốp được định hình theo hình dạng lưng của từng người. Cậu bé nắm chặt tay, nhắm ghì mắt. Nhân viên kỹ thuật dùng chỉ có ngấm thuốc cản quang dán sẹo mổ trên da bệnh nhi, nhằm xác định đúng thể tích điều trị sau khi chụp CT mô phỏng. Cậu bé 6 tuổi được chẩn đoán u sarcoma tuyến mang tai trái hiếm gặp, bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao và ở giai đoạn 4. Sau khi phẫu thuật và hoá trị 9 toa, cậu bé được chỉ định làm mô phỏng mặt nạ để xạ trị 20-30 tia. |
Từ miếng nhựa cứng, kỹ thuật viên bỏ vào máy hấp khoảng 5-7 phút với nhiệt độ 70-75 độ C, lấy ra chờ khoảng vài chục giây, phun nước làm nguội rồi áp lên mặt bệnh nhi. Kỹ thuật viên cố định mặt nạ bằng các chốt trên bàn, dùng tay nắn chỉnh theo đường nét trên khuôn mặt bệnh nhân, như một nghệ nhân làm gốm. |
Tiếp đến, bác sĩ xác định tâm mô phỏng ở cằm của bệnh nhân, kỹ thuật viên sẽ đo đạc để điền vào phiếu thông tin. Thao tác này nhằm xác định được vị trí của tâm, so với các mốc giải phẫu trên người bệnh nhân. Quy trình này giúp giảm tỷ lệ sai sót khi xạ trị, trường hợp băng keo đánh dấu tâm bị bong khi xạ trị thì phải dựa vào phiếu thông tin để đo đạc và xác định lại tâm xạ trị. Như vậy, chỉ trong 15 phút, mặt nạ xạ trị đã được hoàn thành. |
Sau khi đo đạc xong, kỹ thuật viên sẽ đến phòng điều khiển để chụp CT mô phỏng cho người bệnh. Việc này giúp bác sĩ xác định thể tích điều trị, tính liều xạ trị, khung điều trị từ đâu đến đâu, lát cắt là bao nhiêu, cường độ tia như thế nào. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ nằm đợi cho mặt nạ cứng lại khoảng 10 phút. Đối với những trẻ sợ và quấy khóc, người nhà sẽ được mặc áo chì vào đứng cùng trong lúc chụp CT. Nhưng lúc xạ trị, sẽ chỉ còn mình trẻ nằm trong phòng trống cùng với máy móc. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, các bệnh nhi phải ở một mình trong phòng mô phỏng, chỉ thở được thông qua những lỗ li ti trên mặt nạ. Do đó, kỹ thuật viên phải vừa làm, vừa trấn an trẻ, động viên các bé cố gắng hít sâu và thở đều. Bác sĩ cho trẻ xem người khác làm trước, hoặc cho các em những con gấu bông xinh xắn, đồ chơi. Với những chiếc mặt nạ đã làm xong, điều dưỡng sẽ vẽ nhiều hình dạng khác nhau để tạo sự thích thú, giảm bớt lo lắng cho trẻ. Một mặt nạ đơn giản, điều dưỡng vẽ trong vòng 30 phút. Hình phức tạp hơn có thể kéo dài vài giờ. |
Thái Hòa (12 tuổi) cầm trên tay chiếc mặt nạ xạ trị hình mèo hồng dành riêng cho cô bé. Lúc mới phát bệnh vào năm 2023, em không có triệu chứng đau, góc mặt gần mang tai chỉ xuất hiện một cục u nhỏ bằng đầu đũa. Khi được bác sĩ chẩn đoán u tuyến mang tai, những ngày tháng ròng rã chữa bệnh của Thái Hòa cũng chính thức bắt đầu. Sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Hòa tiếp tục được chỉ định xạ trị 25 tia ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. |
Vì vị trí khối u nằm ở trung tâm nhiều dây thần kinh, bác sĩ lo lắng vì có tỷ lệ rủi ro dẫn tới méo miệng, xệ mặt. May mắn là khi mổ xong thì tình trạng của bé đã ổn định. Nhận mặt nạ xạ trị từ tay của điều dưỡng, với một hình vẽ đúng nhân vật yêu thích, Thái Hoà ngắm nghía suốt cả buổi. Em nói rằng mình không lo lắng nữa, sự sợ hãi cũng không còn nhiều vì xạ trị không đau, chỉ nằm ngủ một chút là xong. |
Cũng giống như Đức và Hoà, hàng trăm bệnh nhi khác đang xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên quan tâm đặc biệt hơn so với bệnh nhân là người lớn. Cách nhân viên y tế ở đây chăm sóc bệnh nhi như muốn chia sẻ bớt một phần nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho các em. |
Khi mặt nạ mô phỏng hoàn thành, người lớn sẽ được xăm một dấu nhỏ như nốt ruồi trên ngực. Nốt xăm này được sử dụng như những điểm tham chiếu trong mỗi lần đặt bệnh nhân để điều trị. Dấu xăm này sẽ theo họ đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên, đối với bệnh nhi, bác sĩ sẽ không xăm vì các em không chịu được đau. Lý do quan trọng hơn là các em còn một quãng đường đời rất dài phía trước, nếu khỏi bệnh, bác sĩ không muốn các em phải nhớ lại những ngày tháng đau đớn lúc nhìn vào hình xăm. |
Đằng sau những chiếc mặt nạ xạ trị ung thư đầy màu sắc ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là hàng trăm câu chuyện khác nhau của những đứa trẻ không may mắc căn bệnh khó chữa, cũng là sự yêu thương, ân cần mà người lớn cố gắng để xoa dịu cho tuổi thơ nhiều nỗi đau của các em. |
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.