Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần làm gì để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Bác sĩ cho biết để hạn chế mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mỗi người nên tiêm phòng vaccine HPV, sử dụng bao cao su và tránh hành vi quan hệ có tính rủi ro cao.

Mỗi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa bệnh HPV và bệnh viêm gan B. Ảnh: Pinterest.

Thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho thấy số bệnh nhân đến khám do mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) ngày càng tăng. Cụ thể, cuối tháng 3, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 257-347 ca đến khám do STDs (trung bình là 304 ca/ngày).

Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3 của bệnh viện, cho hay so với năm 2020, tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì STDs vào năm 2022 tăng lên 29% ở các phòng khám thường và tăng 24% ở các phòng khám dịch vụ.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến được ghi nhận tại bệnh viện gồm bệnh giang mai, sùi mào gà, bệnh lậu, chlamydia… Trong đó, trường hợp mắc sùi mào gà chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là giang mai và thấp nhất là HIV.

Theo bác sĩ Lợi Em, STDs hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân có ý thức bảo vệ chính mình cũng như trang bị kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục.

Biện pháp đầu tiên nhằm giúp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục là chung thủy với bạn tình, không quan hệ tình dục với nhiều người, đặc biệt là với gái mại dâm.

Nếu có quan hệ với người mới, bạn cần nên tìm hiểu và thảo luận cởi mở về lịch sử tình dục của người đó trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động tình dục nào.

benh duong tinh duc anh 1

Theo bác sĩ Lợi Em, sùi mào gà là một trong bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Mọi người cần lưu ý luôn sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Điều này sẽ giúp giảm khả năng nhiễm trùng nhưng cũng không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi việc bị lây nhiễm STDs.

Ngoài ra, bác sĩ Lợi em cảnh báo một số hành vi tình dục có rủi ro cao sẽ gây tổn thương da và niêm mạc. Vì vậy, chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục. Ví dụ, việc dùng đồ chơi tình dục (sextoy) không phù hợp sẽ dễ gây tổn thương, tạo vết xước ở da hoặc niêm mạc.

Thêm vào đó, vì vùng hậu môn - trực tràng có phản xạ co thắt khi được kích thích, quan hệ qua đường hậu môn làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc, từ đó khả năng nhiễm bệnh cao hơn.

Đồng thời, vị chuyên gia khuyến cáo thêm mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ, chủ động tiêm vaccine ngừa bệnh HPV và bệnh viêm gan B.

Nếu bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV (như thường xuyên quan hệ tình dục với bạn tình lạ), hãy xem xét việc dùng thuốc PREP hàng ngày để dự phòng trước phơi nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Nhiều trẻ nhập viện ở TP.HCM vì mắc sốt xuất huyết thể nặng

Dù sốt xuất huyết chỉ mới bắt đầu vào mùa, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Tây đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, thậm chí nguy kịch.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm