PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, chăm sóc cho một bé trai bị sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh: Duy Hiệu. |
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong khoảng vài tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã nhận liên tiếp nhiều bệnh nhi nhập viện vì sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.
Đặc biệt, mới đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho một bé gái 5 tháng bị sốc sốt xuất huyết Dengue thể não, nhập viện trong tình trạng co giật, ngưng thở, trụy tim mạch đã được cứu sống. Đây là tình trạng sốt xuất huyết thể nặng, với các biểu hiện rối loạn tri giác và co giật.
Bệnh nhi là bé N.T.B.N., địa chỉ Cần Giuộc, Long An. Theo ghi nhận từ gia đình, 4 ngày trước nhập viện, bé sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên nhập bệnh viện ở Cần Giuộc. Ngày 2 và 3 bé vẫn tiếp tục sốt cao, bú kém, không ho, không tiêu chảy.
Sáng ngày thứ 4, bé đột ngột lên cơn co giật toàn thân kèm xuất hiện các chấm xuất huyết ở tay, chân. Ngay lập tức, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Trên đường chuyển viện, bé tiếp tục lên cơn co giật.
Bé N. nhập viện trong tình trạng tím tái, ngưng thở và trụy tim mạch nặng. Ngoài ra, mạch và huyết áp của trẻ không đo được, gan to kèm chấm xuất huyết rải rác toàn thân. Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, thể não ngày thứ 4.
Bé gái 5 tuổi, nặng 7 kg phải nằm trong phòng Hồi sức tích cực Chống độc với nhiều máy móc hồi sức do mắc sốc sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh: BSCC. |
"Bé được đặt nội khí quản giúp thở và được điều trị chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như trẻ nhủ nhi, sốc nặng ngày sớm, sốt xuất huyết nặng thể não nên việc điều trị rất khó khăn", PGS Quang nhận định.
Các bác sĩ đã tích cực hồi sức sốc cho trẻ bằng dịch truyền, hỗ trợ thở máy, kiểm soát cơn co giật, chống phù não, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng.
Sau gần 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học, cải thiện tình trạng tri giác, hết xuất huyết.
Tình trạng tiến triển ngày một tốt hơn, bé được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng các cơ quan phục hồi. Dự kiến, bệnh nhi được xuất viện trong vài ngày tới.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng điều trị cho 2 ca bệnh sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, gồm bé gái 9 tuổi và trẻ nhỏ 6 tháng tuổi.
Cả hai đều nhập viện trong diễn tiến nặng, sốt li bì nhiều ngày liền, được chẩn đoán suy đa cơ quan và phải dùng máy thở.
Qua trường hợp này, PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo phụ huynh cần chú ý là bệnh sốt xuất huyết Dengue đã bắt đầu vào mùa.
Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp gây tử vong. Vì vậy, trẻ cần được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Với trẻ nhỏ bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết...), đau bụng, nôn ói nhiều, phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết.
Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.