Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Cần làm gì khi bị cáo buộc là nhân vật chính vụ chung cư ở Thái Nguyên

Theo luật sư, chị V. có quyền yêu cầu bồi thường, còn người đăng thông tin thất thiệt, xúc phạm nữ đoàn viên này có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Những ngày qua, chị N.C.T.V. (21 tuổi, đoàn viên xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bức xúc vì bị người sử dụng mạng xã hội cắt ghép hình ảnh chị này mặc áo đoàn đang trình diễn văn nghệ rồi cáo buộc là phó bí thư đoàn phường liên quan vụ người đàn ông rơi từ tầng 11 chung cư Tiến Bộ, TP Thái Nguyên.

Sau khi xuất hiện thông tin bịa đặt này, chị V. bị nhiều người xúc phạm bằng những từ ngữ thô tục. Nữ đoàn viên đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự việc này.

Trường hợp này, người cắt ghép, đưa tin thất thiệt bị xử lý ra sao và nữ đoàn viên cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật HILAP

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu việc sử dụng hình ảnh vi phạm các quy định trên, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc đăng tải hình ảnh của chị V. khi chưa được phép cùng những thông tin, bình luận thất thiệt, gây tổn hại danh dự, uy tín cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả, người vi phạm sẽ đối diện các chế tài khác nhau.

Ở góc độ hành chính, người vi phạm có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Những người chia sẻ lại nội dung sai sự thật, hành vi của họ vẫn bị coi là cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo nhằm vu khống, xúc phạm người khác và sẽ bị áp dụng chế tài như trên.

Về quyền lợi cá nhân, Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; đồng thời yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, chị V. có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin thất thiệt liên quan tới bản thân, đồng thời yêu cầu người chia sẻ nội dung sai sự thật xin lỗi, cải chính và bồi thường.

Nữ đoàn viên bức xúc vì thành nhân vật chính vụ chung cư ở Thái Nguyên

Chị V. cho biết rất bức xúc về việc hình ảnh cá nhân bị cắt ghép, tung lên mạng xã hội rồi gắn cho là nhân vật nữ cán bộ đoàn ở tỉnh Thái Nguyên.

Người đàn ông rơi từ tầng 11 là cán bộ công an TP Thái Nguyên

Lãnh đạo địa phương cho biết người phụ nữ sống tại căn hộ tầng 11 là Phó bí thư Đoàn phường Tân Long. Sáng nay, người này đã xin cơ quan nghỉ ốm.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm