Để có được những bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho lần thay sách sắp tới theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT thành lập 9 hội đồng thẩm định (tương đương mỗi môn học 1 hội đồng).
Khác với lần thay sách trước, lần này, thực hiện một chương trình nhiều SGK. Bộ GD&ĐT cho biết hiện, các hội đồng thẩm định nhận được 5 bộ SGK hoàn chỉnh. Nhưng có một số môn như môn Toán lớp 1, hội đồng thẩm định nhận được 6 cuốn SGK của các tác giả biên soạn (vì theo quy định, các tác giả, nhóm tác giả có thể chỉ viết 1 môn hoặc nhiều môn trong chương trình).
SGK lớp 1 bày bán trên kệ. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong. |
Theo tìm hiểu, tác giả của các bộ SGK này có rất nhiều người đã tham gia viết chương trình môn học. Trong khi đó, các thành viên trong hội đồng thẩm định cũng có rất nhiều người tham gia viết chương trình. Như vậy, giữa họ ít nhất cũng đã có quan hệ quen biết từ trước.
Nói về mối quan hệ này, một chuyên gia giáo dục nêu vấn đề liệu những người viết chương trình có đưa ra các điều kiện, tiêu chí, quy định làm “lợi thế” cho mình để viết SGK hay không?
Hơn nữa, những người trong hội đồng thẩm định cũng biết được những người viết SGK là ai nên dù có hoạt động độc lập hay không thì không còn quan trọng nữa.
Ði ngược tinh thần Ban soạn thảo SGK mới?
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đề xuất “cần thẩm định lại hội đồng thẩm định” trước những lý do mà hội đồng thẩm định SGK đưa ra để “xóa tên” cuốn SGK Công nghệ Giáo dục Toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.
Ông Phùng Hồ Hải khẳng định với tư cách thành viên ban soạn thảo chương trình SGK môn Toán, những lý do đưa ra của hội đồng thẩm định hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Ban soạn thảo SGK phổ thông mới.
Kết luận của hội đồng thẩm định viết: “Đối với môn Toán, hội đồng thẩm định cho rằng nội dung bản mẫu SGK chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn Toán lớp 1 như các nội dung liên quan khái niệm tập hợp, phương trình.
Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình. Các số 'đứng liền nhau', 'dãy số', 'dãy số tự nhiên', 'trục số' không có trong chương trình”.
Như vậy, với tinh thần của kết luận này, các SGK muốn vượt qua vòng thẩm định không được phép có nội dung “vượt quá chương trình môn Toán”.
Trong khi đó, một trong những điểm quan trọng nhất của ban soạn thảo chương trình 2018 là nội dung chương trình SGK yêu cầu kiến thức tối thiểu, chương trình SGK không hạn chế việc dạy thêm các kiến thức khác nằm ngoài chương trình, thậm chí khuyến khích điều đó đối với những đối tượng phù hợp.
Còn cụ thể với chương trình SGK môn Toán có quy định: “Chương trình môn Toán bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục toán học cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục toán học và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.
Chương trình môn Toán chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt, phẩm chất, năng lực của học sinh; nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả SGK và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình”.
GS Phùng Hồ Hải nhấn mạnh: “Theo tôi, cần thẩm định lại hội đồng thẩm định vừa qua”.
Tuy vậy, GS Phùng Hồ Hải không ủng hộ phương pháp dạy toán cho học sinh tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại, do cách tiếp cận quá trừu tượng đối với các phép tính số học.