Anh T., HLV thể hình tại một phòng tập ở Q.Gò Vấp (TP HCM), ngoài việc huấn luyện còn kinh doanh thêm các loại thực phẩm bổ sung và thuốc hỗ trợ việc tập thể hình.
“Lấy thuốc bù tập luyện”
Anh T. cho biết anh bày bán các loại sản phẩm này bởi nhu cầu của người tập thể hình. Trong nửa buổi sáng trò chuyện với chúng tôi, anh T. tiếp đến ba khách đến hỏi mua hàng và tất cả đều là các bạn trẻ khoảng 20 tuổi.
“Mỗi ngày tôi bán được hàng cho khoảng 10 khách. Đó là tôi chỉ bán lẻ chứ ở các cửa tiệm, mỗi ngày có 30-40 khách đến mua là chuyện thường” - anh T. nói. Và anh chỉ cho chúng tôi thấy một hộp sữa bột bổ sung protein vừa bán được có giá 1,5 triệu đồng với khối lượng hơn 2,2 kg. Anh T. cho biết một hộp như vậy chỉ sử dụng trong khoảng một tháng nếu dùng vừa phải. Tuy khá đắt đỏ nhưng sữa bột protein vẫn là loại mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng, chủ yếu vì nhu cầu quá lớn của dân tập thể hình.
“Cách đây vài năm, tôi thường được hỏi những câu đại loại như: “Có cách nào có cơ sáu múi sau 1-2 tháng tập không anh?” hoặc: “Có loại thuốc nào giúp tăng cơ nhanh không?” từ các bạn trẻ mới đến tập thể hình. Ban đầu tôi mua giùm các bạn những loại thực phẩm bổ sung protein, thuốc đốt mỡ... Dần dần thấy nhu cầu nhiều quá nên tôi kinh doanh luôn. Các bạn trẻ bây giờ muốn tập thể hình nhưng lại thiếu kiên nhẫn, toàn đòi có thể hình lý tưởng chỉ sau vài buổi tập” - anh T. chia sẻ.
Kiểu suy nghĩ “lấy thuốc bù tập luyện” này là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, phản thể thao lẫn phản khoa học. Anh N.D., một HLV thể hình nổi tiếng ở TP HCM và cũng là chủ một đại lý phân phối các loại thực phẩm bổ sung, cho biết anh cũng thường nhận được những câu hỏi tương tự từ các học viên thể hình trẻ tuổi, muốn có cơ “sáu múi” trong thời gian ngắn.
“Không thể có chuyện chỉ ăn hoặc uống thực phẩm bổ sung protein mà có được cơ bắp. Protein chỉ là nguyên liệu giúp xây dựng cơ bắp, nạp vào nhiều sẽ hỗ trợ phát triển cơ bắp nhanh nhưng điều kiện đi cùng là phải tập luyện nhiều. Nạp protein thì càng phải tập luyện để tận dụng lượng protein đó. Các loại thực phẩm bổ sung tôi bày bán chỉ là thực phẩm tiện dụng giúp cung cấp nhiều protein, ít các loại chất béo có hại chứ không hề là “thuốc tăng cơ” như nhiều người truyền miệng” - anh N.D. nói.
Có hại nếu lạm dụng
Ngoài các loại thực phẩm bổ sung, thuốc steroid cũng là một loại sản phẩm rất được dân tập thể hình ưa chuộng. Anh T. cho biết: “Ở TP HCM nhiều nơi bán thuốc steroid lắm. Nhưng vì đây là thuốc cấm khi thi đấu, lại có hại nhiều nên ít ai thừa nhận mình bán hay sử dụng lắm. Phải có quen biết, có mối mới mua được”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Anh, phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP HCM, cho biết việc sử dụng loại thuốc steroid này có nhiều tác hại. Ông Trọng Anh nói: “Steroid các bạn tập thể hình hay dùng là loại anabolic steroids. Đây là các loại thuốc hoặc chất như testosterone hoặc có tác dụng giống testosterone. Steroid làm phát triển hệ xương, cơ.
Nhiều thanh thiếu niên sử dụng anabolic steroids để giảm mỡ, tăng cơ và sức mạnh, cải thiện phong độ trong thể thao. Đối với nam, anabolic steroids có thể gây giảm tinh trùng, thiểu năng tinh hoàn, vô sinh, ngực to ra... Đối với nữ, anabolic steroids có thể tăng mọc lông, tóc, da ráp nhám, giảm kích cỡ ngực, to âm đạo, thay đổi giọng nói...
Ngoài ra, anabolic steroids còn có thể khiến ngừng phát triển chiều cao sớm hơn, đau tim, đột quỵ, kể cả ở người trẻ; huyết áp cao, tăng lượng cholesterol xấu LDL và giảm lượng cholesterol tốt HDL; làm nặng các bệnh gan và ung thư gan; da bị nhờn và mụn; hói đầu nam giới; rối loạn cảm xúc tình dục... Trong 20 năm hành nghề, tôi từng gặp nhiều người gặp phải các bệnh lý nói trên vì sử dụng steroid”.
So với steroid có tác hại rõ ràng, bác sĩ Trọng Anh cho biết các thực phẩm bổ sung protein không có tác hại nào nếu dùng vừa phải. Công dụng của các loại thực phẩm bổ sung này là giúp người chơi thể thao có thể bổ sung lượng protein tối đa mà không đụng đến nhiều chất béo.
Ví dụ 100g thịt bò thường cho khoảng 25 g protein nhưng trong đó còn có nhiều chất béo và cholesterol. Trong khi đó, 100 g sữa bột whey protein thường chứa đến 60-80 g protein và lại rất ít chất béo. Do đó, việc sử dụng các loại sữa bột này giúp người tập thể dục bổ sung chất dinh dưỡng hiệu quả hơn. Dù vậy nếu lạm dụng chúng lại là một chuyện khác. Anh N.D. cho biết anh vẫn thường khuyên các khách hàng nên sử dụng thực phẩm bổ sung protein theo liều lượng vừa phải như ngoài nhãn mác - thường là khoảng 2-3 muỗng sữa bột/ngày.
Một HLV thể hình cho biết các học viên của anh thường gặp phải hai trường hợp khi sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung protein. Trường hợp đầu tiên là nhiều bạn tuy nạp rất nhiều protein qua thực phẩm bổ sung nhưng vẫn duy trì chế độ ăn uống bình thường (vốn cũng chứa không ít protein) dẫn đến việc cơ thể phải hấp nạp lượng protein quá thừa mứa. Bác sĩ Trọng Anh cho biết việc ăn nhiều protein hơn nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến những tình trạng xấu như tăng cân, mỡ thừa trên cơ thể, ảnh hưởng xấu trên thận, gan, mất nước và mất chất khoáng canxi cho xương.
Trường hợp thứ hai là nhiều người nạp protein theo liều lượng hợp lý cho cơ thể, nhưng lại sử dụng nhiều thực phẩm bổ sung protein thay cho các thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng... Điều này lại khiến cơ thể không có đủ các chất dinh dưỡng khác.
“Ngoài protein, chế độ ăn của những người tập thể hình muốn phát triển cơ bắp còn cần nhiều mỡ, tinh bột giàu calorie, vitamin và uống nhiều nước. Tỷ lệ dinh dưỡng (tính theo calorie) như sau: 40% tinh bột, 40% protein, 20% mỡ. Chế độ ăn cũng phải có chất xơ và trái cây: chuối, rau củ và uống đầy đủ nước mỗi ngày” - bác sĩ Trọng Anh nói.
Rõ hơn ai hết công dụng và tác hại của các loại thuốc, thực phẩm bổ sung trong phòng tập thể hình là các VĐV chuyên nghiệp. VĐV Nguyễn Văn Lâm (hai lần đoạt chức vô địch thế giới năm 2011, 2014) cho biết một ngày anh nạp hơn 300g protein, trong đó khoảng 1/3 từ các loại sữa bột protein.
Anh Lâm nói: “Những loại thực phẩm bổ sung này giúp ích rất nhiều cho giới VĐV chúng tôi trong việc bổ sung dinh dưỡng, Nhưng kinh nghiệm của tôi vẫn là phải sử dụng vừa phải, bữa ăn từ các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, rau... vẫn là quan trọng nhất. Một số loại thuốc như đốt cháy mỡ càng phải sử dụng liều lượng hợp lý, kỹ càng hơn vì có những tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Bác sĩ Trọng Anh cho biết một người bình thường sẽ cần nạp vào cơ thể lượng protein mỗi ngày theo công thức như sau: lượng protetin (gram) = số cân nặng (tính theo kg) x 2,2. Tức một người nặng khoảng 70kg sẽ cần nạp khoảng 154g protein mỗi ngày.
Kiểm soát chặt thuốc “đốt mỡ” DNP
Tờ Daily Mail (Anh) tiến hành một cuộc điều tra vào năm 2015 cho thấy có 6 người Anh và 60 người trên thế giới đã tử vong vì sử dụng một loại thuốc “đốt mỡ” có tên DNP - xuất phát từ Trung Quốc.
Loại thuốc này được quảng cáo trên khắp các trang mạng tiếng Trung là “thần dược giảm cân”. Hồi tháng 5-2015, Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã ban hành thông báo đề nghị các quốc gia kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông loại thuốc này.
Trong khi đó, lịch sử làng thể hình chuyên nghiệp thế giới cũng cho thấy nhiều trường hợp các lực sĩ bị thiệt mạng vì sử dụng steroid quá đà.
Theo website T-Nation.com, từ năm 1990 trở lại đây có đến 31 trường hợp lực sĩ thể hình tử vong trước tuổi 60, phần đông qua đời trước 50 tuổi vì những hệ quả của việc sử dụng steroid.
Nổi tiếng nhất trong số này có thể kể đến hai VĐV Mike Matarazzo (chết năm 47 tuổi vì đau tim) và Andreas Munzer (chết năm 32 tuổi vì hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan - MODS), đều là các VĐV từng đoạt thứ hạng cao ở cuộc thi nổi tiếng Mr Olympia của làng thể hình thế giới.