Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cần thay đổi cách bồi dưỡng giáo viên'

Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị THPT dân lập Lương Thế Vinh, dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới có nhiều tiến bộ, nhưng cũng còn băn khoăn.

- Ông đánh giá thế nào về dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT mới ban hành?

- Khi đề cập chương trình (CT) tổng thể của giáo dục phổ thông là nói đến những phẩm chất, năng lực mà học sinh cần đạt được, các bộ môn phải học, thời lượng, nội dung các bộ môn, từ đó mới có CT chi tiết môn học. 

Sau đó, chúng ta mới có đề án phục vụ cho CT tổng thể như đào tạo mới giáo viên, đào tạo lại giáo viên đã ra trường, trang thiết bị dạy học như thế nào....

Dự thảo giáo dục mới có khiến giáo viên mất việc?

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo - giải thích về vai trò của giáo viên trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

CT tổng thể này chỉ mới nêu được những cái mong muốn đạt được, còn đạt được hay không, ở mức độ nào thì phải có những đề án tiếp theo. 

Giống như kỳ thi vừa qua, chúng ta nêu ra mục tiêu giảm chi phí, tránh căng thẳng, chọn được học sinh chính xác hơn..., nhưng đến giờ không đạt được. Cá nhân tôi đánh giá kỳ thi là một thất bại.

Từ đó để nói rằng, CT tổng thể tuy quan trọng, nhưng cũng chỉ là định hướng, do chủ quan của chúng ta.

PGS Văn Như Cương. Ảnh: Lê Phan.

Tuy nhiên, có thể khẳng định CT được một số vấn đề. Trong CT hiện hành, học sinh học nhiều quá, thuần túy tri thức, không chú ý kỹ năng sống. CT mới đề cập việc thay đổi lại cách học, phẩm chất năng lực học sinh cần đạt được, chú trọng hơn đến giảm kiến thức hàn lâm.

Cụ thể, ngoài môn giáo dục công dân, Bộ GD&ĐT đưa thêm trải nghiệm thực tế và sáng tạo với số tiết không ít (4 tiết/tuần) cho các lớp học từ 1 đến 12. Mục đích đưa học sinh đi vào cuộc sống đời thường, qua đó giáo dục những phẩm chất tốt cho học sinh, gắn các em với đời sống xã hội. 

Đó là định hướng tốt. Từ đó, chúng ta không bắt học sinh học nhiều quá. Ở THCS, lời giải cho bài toán này là liên môn. Bậc THPT hướng tới phát triển năng lực của từng cá nhân thì phân hóa để đáp ứng được khả năng sở trường của mỗi cá nhân và đáp ứng năng lực của họ.

Do đó, có những môn bắt buộc và tự chọn, rồi tự chọn 1, tự chọn 2, tự chọn 3. Tôi đánh giá như thế là được và đã khắc phục được thiếu sót từ trước đến nay.

Thế còn những băn khoăn, thưa ông?

- Thứ nhất là dạy tích hợp ở cấp THCS. Ví dụ, môn khoa học tự nhiên tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhưng tích hợp 3 môn không có nghĩa có 3 củ xu hào, cà rốt, khoai tây từ ba túi, bỏ vào một túi là thành tích hợp. 

Cũng giống như CT hiện hành có 3 giáo viên dạy 3 môn với 3 cuốn SGK, CT mới tích hợp còn một cuốn sách, một giáo viên dạy. Như thế không phải tích hợp. Đội ngũ giáo viên hiện nay cũng phải được đào tạo lại mới có thể dạy được.

Cũng có người hỏi tôi, với việc phân hóa ở THPT, học sinh có quyền tự chọn môn học thì Lịch sử sẽ lại bị bỏ rơi? Tôi nghĩ do các vị chưa nghiên cứu kỹ. Học sinh chọn khoa học tự nhiên vẫn phải học bắt buộc môn khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử. 

Băn khoăn nữa của tôi là quan hệ giữa CT mới với mô hình trường học mới mà Bộ GD&ĐT đang tiến hành như thế nào?

- CT hiện hành cũng đã có nhiều đổi mới nhưng dường như công tác bồi dưỡng không được như mong muốn, dẫn đến giáo viên không thể dạy được như yêu cầu. Với CT mới, ông nghĩ việc bồi dưỡng giáo viên sẽ phải thay đổi thế nào?

- CT năm 2000, chúng ta bồi dưỡng theo kiểu triệu tập giáo viên vào dịp hè hàng năm, tôi nghĩ hoàn toàn không có tác dụng. Bồi dưỡng xong không kiểm tra, chỉ có một bài thu hoạch. 

Hơn nữa, hè là thời gian nghỉ, giáo viên lại phải đi học thì rất nản. Cách đó hình thức, Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy nhưng vẫn làm và không quan tâm hiệu quả.

Về hình thức bồi dưỡng, tôi cũng từng là tác giả SGK nên biết nó như thế nào. Trước hết, mỗi sở GD&ĐT cử một số cán bộ phụ trách môn đến nghe tác giả SGK tập huấn. Sau đó, họ về truyền lại kiến thức cho giáo viên cốt cán, các cụm trường, phòng GD&ĐT. Giáo viên cốt cán này bồi dưỡng lại cho giáo viên trường mình. 

Qua mỗi bước truyền đạt, kiến thức bị rơi rụng một phần. Đến giáo viên trực tiếp giảng dạy bị “teo” gần hết. Bồi dưỡng kiểu này giống như việc học nghị quyết, làm thế không ổn. 

Tôi nghĩ muốn hiệu quả không làm dịp hè. Mỗi lần bồi dưỡng, trường cử ¼ hoặc 1/5 giáo viên đến các trường sư phạm học một cách thực thụ như sinh viên trong thời gian cố định. Cứ như thế thay phiên nhau. 

Học xong, có thi, đánh giá, cấp chứng chỉ. Nếu không đạt yêu cầu, các trường có thể loại, giống như không tốt nghiệp được. Tôi nghĩ phải làm gắt gao mới có hiệu quả như mong muốn.  

Học sinh sẽ không phải học hết các môn như hiện nay

Chiều 5/8, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Lê Phan

Bạn có thể quan tâm