Những ngày qua, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ đạo các lực lượng cải tạo Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến của đơn vị trở thành Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia điều trị Covid-19.
Nói với Zing, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết trung tâm hồi sức dự kiến vận hành vào giữa tuần này. Đây là một trong 12 trung tâm lớn nhất cả nước được Bộ Y tế thành lập theo đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng.
Bệnh viện có nền tảng cơ bản về hồi sức
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia điều trị Covid-19 tại bệnh viện đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Trung tâm hồi sức tích cực vùng được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu về hồi sức tích cực sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp Covid-19 tiên lượng nặng.
Bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.P. |
Khi thành lập trung tâm này, chúng tôi được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo sâu sát và đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị hiện đại. Đơn vị cũng được sự phối hợp chặt chẽ trong phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng giữa các tỉnh trong khu vực và bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ.
Cần Thơ là trung tâm của khu vực nên thuận lợi trong công tác phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân Covid-19 nặng. Sự phát triển chuyên môn của bệnh viện trong những năm qua, đặc biệt trên lĩnh vực hồi sức tích cực là nền tảng cơ bản để triển khai được trung tâm hồi sức tích cực vùng tại đây.
- Những khó khăn đơn vị gặp phải trong việc thành lập trung tâm hồi sức vùng?
- Chúng tôi có hai khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực. Bệnh viện đã trưng dụng toàn bộ khoa Bệnh Nhiệt đới 2 tầng làm nơi tiếp nhận điều trị theo đúng kế hoạch Bộ Y tế giao.
Máy thở được trang bị mới tại Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia điều trị Covid-19. Ảnh: T.P. |
Bệnh viện có một khu vực điều trị hồi sức tích cực chung gồm 30 giường bệnh được thiết kế cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn giường hồi sức tích cực. Tuy nhiên, khu vực này thường bị quá tải do các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển về.
Ngoài ra, các khu điều trị của bệnh viện được bố trí liên hoàn với nhau, không thể bố trí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng đủ tiêu chuẩn trong điều kiện vẫn duy trì hoạt động khám chữa bình thường.
Nhân lực khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có 18 bác sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành hồi sức tích cực và 10 bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm có kiến thức cơ bản về hồi sức tích cực. Khoa có 32 điều dưỡng được huấn luyện và đào tạo chuyên sâu về chăm sóc bệnh nhân hồi sức tích cực và 14 điều dưỡng khoa Bệnh Nhiệt đới.
Để triển khai được trung tâm hồi sức tích cực 200 giường bệnh đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn và phải được đào tạo chuyên sâu về hồi sức và nội khoa.
Hệ thống oxy mới lắp đặt 20 m3. Ảnh: T.P. |
Việc nâng lên thành 200 giường điều trị hồi sức tích cực đòi hỏi phải trang bị thêm một số lượng lớn trang thiết bị y tế hiện đại, phương tiện phòng hộ và cơ số thuốc hóa chất rất lớn.
100 giường đã được trang bị đầy đủ thiết bị y tế
- Bệnh viện đã chuẩn bị được những gì cho trung tâm này khi ngày vận hành cận kề?
- Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện có 3 tầng, rộng khoảng 2.000 m2. Ngày 11 hoặc 12/8, chúng tôi đưa vào hoạt động khoảng 50 giường tại tầng trệt. Tất cả công đoạn chuẩn bị đã xong, oxy cũng đã lắp đặt. Khoa Bệnh Nhiệt đới đang cải tạo thành một phần của trung tâm với 50 giường. Thiết bị y tế cho 100 giường này đã đầy đủ, trị giá khoảng 50 tỷ đồng do một ngân hàng tài trợ.
Trong đó, trung tâm có 40 chiếc máy thở chức năng cao, 150 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, 1 bộ máy phá rung tim tạo nhịp, 2 máy đo khí máu (đo được điện giải đồ, lactate, hematorite), 2 máy siêu âm Doppler màu, 1 máy lọc máu liên tục, 1 hệ thống ECMO 1, 80 máy thở lưu lượng cao qua đường mũi, 150 chiếc máy truyền dịch, 300 bơm tiêm điện, 5 bộ đèn nội khí quản có camera, 5 máy X-quang lưu động, hệ thống oxy 20 m3…
Hiện tại, bệnh viện điều trị 14 bệnh nhân nặng Covid-19 nặng tại Cần Thơ và Đồng Tháp, Tiền Giang chuyển đến. Trong đó, một bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), 9 bệnh nhân thở máy, 3 trường hợp lọc máu liên tục.
Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp tại miền Tây vì số ca bệnh mới vẫn còn xuất hiện nhiều. Trong ngày 9/8, Long An có thêm 934 ca mắc trong cộng đồng, nâng tổng F0 của tỉnh này lên 11.356 ca (3.050 người xuất viện).
Tiền Giang có 4.625 F0 (1.273 ca xuất viện), tiếp theo là Đồng Tháp (4.094 ca), Cần Thơ (2.386), Bến Tre (1.200), An Giang (651), Sóc Trăng (436).