Một tuần trở lại đây, Phương Thảo, 24 tuổi, trú tại Thân Văn Nhiếp, An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM, đã phải làm quen với việc đi bộ khoảng 500 m mới có thể lấy được các món hàng đặt online tại điểm chốt phòng dịch. Tất cả lối ra vào khu vực Thảo cư trú đều đã được rào kín cùng lực lượng dân quân tự vệ túc trực 24/24.
Chỉ duy nhất lối vào gần mặt đường Mai Chí Thọ được mở cho người dân ra vào. Dẫu vậy, bất cứ ai muốn vào đều phải xuất trình thẻ chung cư, thẻ thang máy hoặc giấy tờ chứng minh việc mình đang cư trú tại đây. Ngoài ra, mọi nhân viên giao hàng, người ngoài đều phải dừng trước điểm chốt.
Yên tâm nhưng không chủ quan
Chia sẻ với Zing, Thảo cho hay dù đôi lúc cảm thấy hơi phiền khi phải nhận những lời phàn nàn của các shipper do khó khăn trong tìm đường khác, việc làm này của chính quyền là cần thiết khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Bản thân Thảo cũng cảm thấy an toàn hơn khi số lượng người ngoài ra vào bị hạn chế.
“Dù vậy, tôi vẫn thường xuyên phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi di chuyển tới các siêu thị nhỏ quanh nhà. Nhiều người dân ở đây vẫn ra ngoài hàng ngày và hoàn toàn có thể lây nhiễm virus từ đó. Họ trở về và nếu không cẩn thận lại lây cho người xung quanh”, Thảo nói.
Chốt kiểm soát vùng xanh được đặt duy nhất tại một điểm nhằm kiểm soát lượng người ra vào. Ảnh: Quốc Toàn. |
Do công việc cho phép làm tại nhà, từ khi thành phố ra chỉ thị giãn cách xã hội, Thảo hầu như không ra ngoài trừ những lúc mua thực phẩm thiết yếu. Thảo ý thức rằng đây là việc tốt nhất mình có thể làm cho thành phố thời điểm này.
Trong khi đó, Minh Tâm, 25 tuổi, trú tại một tòa chung cư thuộc Tam Trinh, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, cũng được xếp vào vùng xanh. Tương tự nơi ở của Thảo, tất cả người đến chung cư này đều bị yêu cầu dừng trước chốt chặn của tòa nhà. Nếu không xuất trình được giấy tờ chứng minh là cư dân, họ sẽ không được vào bên trong.
Để đảm bảo an toàn và chắc chắn không có người nhiễm SARS-CoV-2, ngày 11/8 vừa qua, toàn bộ cư dân sống tại chung cư này đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và đều cho kết quả âm tính.
“Gia đình tôi không gặp phải khó khăn gì. Dưới chân chung cư cũng có 2 siêu thị để đảm bảo thực phẩm. Ban quản lý phát phiếu đi chợ theo đợt nhưng chúng tôi khá hạn chế ra ngoài, nhất là sau khi chung cư thiết lập vùng xanh”, Tâm nói.
Theo Tâm, dù khá yên tâm, các gia đình cư trú tại đây vẫn bày tỏ tinh thần quyết tâm bảo vệ vùng xanh. Sau khi chung cư dựng chốt chặn, người dân hạn chế ra ngoài hơn, không còn xuống tập thể dục dưới sân tòa nhà, thang máy cũng không đông như trước.
Tâm kể lại: “Mới hôm trước, tôi bế theo chú chó nhỏ đi siêu thị dưới chân tòa nhà. Bảo vệ thấy vậy phải chạy tới ngăn lại do nghĩ rằng tôi đi chơi. Tôi phải giải thích một lúc mới có thể mua nhanh đồ dùng cần thiết rồi về”.
Vùng xanh vẫn có nguy cơ
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định các khu vực thiết lập vùng xanh hoàn toàn vẫn có nguy cơ bị dịch Covid-19 xâm nhập. Nguồn lây nhiễm virus có thể đến từ cả bên ngoài và chính người dân trong khu vực này.
“Hiện nay, chúng ta không thể giãn cách hoàn toàn khi một số người dân vẫn phải ra ngoài đi làm, mua sắm đồ dùng, thực phẩm thiết yếu. Tại những điểm này, sự tiếp xúc giữa người với người vẫn xảy ra. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp 5K, họ hoàn toàn có thể mang virus từ ngoài vào trong vùng xanh và gây lây nhiễm”, ông Phu giải thích.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định "vùng xanh" vẫn có nguy cơ bị SARS-CoV-2 xâm nhập. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, nhiều trường hợp nhiễm virus hiện nay không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh. Do đó, SARS-CoV-2 có thể vẫn lẩn khuất trong cộng đồng, không loại trừ người ở chính vùng xanh và gây lây lan bất cứ khi nào.
“Có thể trong các khu vực được thiết lập vùng xanh, một số trường hợp đã nhiễm virus nhưng còn ở giai đoạn ủ bệnh, chưa được phát hiện. Sau khi phát bệnh, những người này có thể đã lây nhiễm virus cho người khác nếu không tuân thủ giãn cách”, PGS Phu nói.
Do vậy, ông cho rằng bên cạnh việc dựng chốt chặn ở ngoài khu vực vùng xanh, việc đảm bảo an toàn tại các địa điểm, cơ quan bên trong là quan trọng nhất.
PGS Phu nói: “Siêu thị, nhà máy, bệnh viện, cửa hàng..., đều phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Từ đó, khi giữ được an toàn thôn, xóm, ngõ, chúng ta mới có thể tiến tới an toàn phường, quận, thành phố”.
Các lãnh đạo, lực lượng chức năng và chính người dân trong vùng xanh cũng luôn phải chú ý đảm bảo an toàn, tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế.
“Chỉ cần một phút lơ là, SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể sẽ xâm nhập vào vùng xanh bất cứ lúc nào. Thậm chí, các nguồn lây lẩn khuấn trong cộng đồng và tại vùng xanh có thể dễ dàng tạo ra một ổ dịch lớn nếu không đề phòng”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo.