Vào mùa lúa chín và mùa nước lớn, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người mang theo các dụng cụ như cuốc, xẻng, lưới, gậy cùng nhau chạy đuổi trên các cánh đồng để săn bắt chuột.
Từ lâu, thịt chuột được xem là đặc sản của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong các tài liệu y học, thịt của loài gặm nhấm này luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh có thể gây chết người, đặc biệt bệnh dịch hạch. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và báo cáo quốc tế. Vì vậy, bạn cần cẩn trọng khi sử dụng loại thịt này.
Con chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác luôn chứa những bệnh tật nguy hiểm như dịch hạch, phó thương hàn, viêm cầu khuẩn, lao...
Người chế biến, ăn thịt tái dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, môi trường sinh sống của chuột thời gian gần đây cũng ô nhiễm nặng. Những con chuột có thể bị đánh bả, nhiễm hoá chất.
Gần đây, thịt chuột trở thành món ăn hấp dẫn nhiều người. Ảnh: Hoàng Nhi/Infornet. |
Với chuột đồng, nguy cơ cao nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Người ăn thịt chuột dễ dàng tích tụ chất độc cho cơ thể, gây nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh về gan, thận, ung thư.
Trong chương trình Ngon và lành (VTC14), Th.S.BS Hồ Duy Thương, Bệnh viên Đa khoa Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cho biết: "Thịt chuột chứa nhiều protein như thịt bò, gà nhưng cần phân biệt rõ chuột đồng và chuột cống trước khi ăn. Chuột cống thường sinh sống trong mỗi trường bẩn, nhiễm nhiều vi khuẩn, virus có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bất cứ loại thịt động vật nào cũng có thể gây bệnh nếu không sơ chế sạch. Bác sĩ Thương chia sẻ thêm khi chế biến thịt chuột nên bỏ đầu, đuôi, ruột và chân, chỉ ăn phần thịt, nấu chín kỹ.