Thống kê từ tạp chí Reader’s Digest (Mỹ), hơn 20% phụ nữ trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng rong kinh. 50% trong số đó tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Một cuộc khảo sát do tổ chức Wear White Again thực hiện cho thấy 62% phụ nữ mắc chứng rong kinh nhưng không phát hiện mình bị bệnh. Nhiều người cho rằng tình trạng này chỉ là kinh nguyệt kéo dài, không phải bệnh lý phổ biến. 40-60% phụ nữ bị rong kinh khi đi khám còn phát hiện thêm các bệnh về vùng kín như u xơ hay lạc nội mạc tử cung.
Chảy máu vùng kín kéo dài là hiện tượng rong kinh, tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: Freepik. |
Phân biệt kinh nguyệt bình thường và rong kinh
Theo Reader’s Digest, hiện tượng rong kinh được xác định khi bạn bị chảy máu vùng kín với hơn 80 ml trở lên. Kèm theo đó, bệnh nhân có các cục máu đông lớn (kích thước hơn 2,5 cm). Lượng kinh nguyệt ra nhiều khiến phụ nữ phải thay băng vệ sinh thường xuyên.
Rong kinh và kinh nguyệt thường giống nhau. Vì thế, một số bệnh nhân khó phân biệt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình, kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài 4-5 ngày. Lượng máu mất đi chiếm khoảng 4-5 thìa.
Khi rong kinh, bệnh nhân bị xuất huyết âm đạo trên 7 ngày liên tục, lượng máu nhiều gấp đôi. Nếu nhận thấy mình có triệu chứng chảy máu âm đạo kéo dài và nhiều, bạn nên tới gặp bác sĩ để tìm lời khuyên.
Cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm
Rong kinh có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo nhiều bệnh liên quan sức khỏe sinh sản và vùng kín của phụ nữ. Theo Mayo Clinic, dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra hiện tượng rong kinh.
Mất cân bằng hormone: Ở người bình thường, khi hormone estrogen và progesterone cân bằng, nó sẽ điều chỉnh sự tích tụ của lớp niêm mạc tử cung.
Lớp này bị bong ra trong kỳ kinh nguyệt. Nếu mất cân bằng hormone, nội mạc tử cung sẽ phát triển và bong quá mức gây hiện tượng chảy máu kéo dài. Mất cân bằng hormone còn là biểu hiện của tình trạng buồng chứng đa nang, béo phì, kháng insulin và các vấn đề về tuyến giáp.
Rong kinh là nỗi khổ khó nói của nhiều phụ nữ. Ảnh: RD. |
Suy giảm chức năng của buồng trứng: Buồng trứng có cơ chế rụng hàng tháng. Nếu cơ quan này bị suy giảm, trứng không rụng trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ không sản xuất hormone progesterone như bình thường. Điều này dẫn tới mất cân bằng hormone và hiện tượng rong kinh như đã giải thích ở trên.
U xơ và polyp tử cung: Polyp tử cung là những khối u nhỏ, lành tính ở niêm mạc. U xơ là u lành tính xuất hiện trong giai đoạn mang thai. Cả hai đều có thể gây mất máu nhiều hơn ở các kỳ kinh nguyệt.
Dị tật bẩm sinh: Hiện tượng này xảy ra khi các tuyến nội mạng tử cung ăn sâu vào trong, gây chảy máu và đau bụng dưới dữ dội. Ngoài ra, các dụng cụ ngừa thai cũng có thể dẫn tới tác dụng phụ tương tự.
Các biến chứng khi mang thai: Xuất huyết âm đạo là triệu chứng điển hình khi bạn bị sẩy thai. Nguyên nhân khác gây chảy máu khi mang thai có thể là nhau thai nằm thấp hoặc ở trước âm đạo.
Ung thư: Ung thư tử cung và cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua do triệu chứng chảy máu âm đạo kéo dài tương tự kinh nguyệt. Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh gặp tình trạng rong kinh cần đặc biệt chú ý và đi tầm soát ung thư để phát hiện sớm.
Hiện tượng rong kinh là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư tử cung. Ảnh: Medium. |
CDC liệt kê rong kinh là vấn đề phổ biến nhất mà phụ nữ hay gặp phải. Mỗi năm, tình trạng này ảnh hưởng tới 10 triệu phụ nữ tại Mỹ. Điều đó nghĩa là cứ 5 người phụ nữ sẽ có một bệnh nhân bị rong kinh.
Chảy máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài có thể dẫn đến một số tình trạng khác. Điển hình là thiếu máu. Người bị thiếu máu sẽ có hiện tượng da xanh xao, suy nhược, mệt mỏi. Ngoài ra, rong kinh còn gây đau bụng dữ dội, chuột rút.
Để điều trị rong kinh, bác sĩ sẽ lựa chọn sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được tiến hành khi cần cắt bỏ lớp trên cùng của niêm mạc tử cung để giảm lượng máu kinh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát và phải cắt, nạo nhiều lần.
Phẫu thuật nội soi tử cung có thể sử dụng khi bệnh nhân được chỉ định loại bỏ các polyp, u xơ. Ngoài ra, với các bệnh nhân bị viêm nội mạc tử cung, để giảm tình trạng rong kinh, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ cơ quan này. Nghiêm trọng nhất, một số bệnh nhân buộc phải cắt bỏ tử cung và không thể mang thai, dừng kinh nguyệt.