Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn tuổi trước trẻ em

"Cùng một lượng vaccine, nếu tập trung tiêm cho nhóm yếu thế, cao tuổi sẽ cứu được nhiều người, hệ thống y tế sẽ nhẹ gánh hơn", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Sau văn bản hướng dẫn từ Bộ Y tế, nhiều địa phương đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Ngoài TP.HCM là nơi đầu tiên triển khai, các địa phương khác là Bình Dương, Ninh Bình, Sóc Trăng, Đà Nẵng... đang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine trên 70% dân số.

Không vội vàng tiêm vaccine cho trẻ em

Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong khi những trường hợp có nguy cơ cao, người lớn tuổi chưa được tiêm đủ liều vaccine là không đúng về thực tiễn dịch bệnh và căn cứ khoa học.

Ông cho biết hiện nay, chủ trương của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế vẫn là ưu tiên vaccine cho tuyến đầu chống dịch, người trên 50 tuổi và sau đó giảm dần độ tuổi.

tiem phu vaccine cho nguoi nguy co cao truoc tre em anh 1

Cụ bà 70 tuổi ở TP Thủ Đức được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt ưu tiên người cao tuổi ngay sau khi TP.HCM được phân bổ vaccine Moderna. Ảnh: Duy Hiệu

PGS Dũng lấy ví dụ trong thực tiễn đợt dịch vừa qua ở TP.HCM, thống kê trong số 12.700 ca tử vong số lượng trẻ trong độ tuổi 12-17 được ghi nhận là 9. Trong khi đó, số lượng người trên 65 tuổi tử vong lên đến 6.600.

Đồng thời, người lớn tuổi mắc Covid-19 diễn biến nặng, thường có thời gian chăm sóc dài để thở máy, oxy, giường bệnh và cả y bác sĩ điều trị. Số lượng này càng nhiều thì hệ thống y tế càng kiệt quệ. Về khoa học, đối với Covid-19, tỷ lệ lây nhiễm ở người lớn thường cao hơn rất nhiều so với trẻ em.

"Cùng một lượng vaccine, nếu tập trung cho nhóm yếu thế hơn sẽ cứu được nhiều người hơn. Càng nhiều người lớn tuổi được tiêm vaccine, càng nhẹ gánh cho hệ thống y tế bấy nhiêu. Khi lượng vaccine đã tiêm đủ cho nhóm yếu thế, chúng ta mới tính đến phương án tăng cường tiêm cho trẻ em", PGS Dũng nói.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết khi mắc Covid-19, trẻ em thường có biểu hiện nhẹ, đa số không triệu chứng. Khi tiêm vaccine, các em càng không có triệu chứng nếu không may nhiễm bệnh.

"Điều này rất nguy hiểm, nhất là tại các địa phương đang bùng dịch mà người lớn tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine. Trẻ em thuộc diện F0 không triệu chứng lây bệnh cho người trong gia đình thì nguy cơ tử vong ở người cao tuổi càng lớn hơn. Do đó, không nên vội vàng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em", bác sĩ Khanh nói.

"Không đợi tiêm vaccine cho trẻ em mới mở lại trường học"

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh việc các địa phương tiêm vaccine cho trẻ em sớm vì mục tiêu mở cửa lại trường học là điều hoàn toàn không nên.

Những nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy khả năng lây lan tương đối thấp ở học sinh trong trường học, ông cho rằng có thể cho trẻ em tại khu vực cấp độ dịch 1 hoặc 2 đến trường. Nghĩa là tỷ lệ mắc mới trong tuần không quá 50-150/100.000 dân và 70% người trưởng thành đã tiêm chủng đủ 2 vaccine.

tiem phu vaccine cho nguoi nguy co cao truoc tre em anh 2

Học sinh THPT tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) được tiêm vaccine Covid-19 sáng 3/11. Ảnh: Quốc Nam.

"Nếu học sinh được tiêm chủng đầy đủ trước khi đi học, phụ huynh có thể an tâm hơn. Nhưng trường học có thể mở cửa trở lại khi mức độ lây nhiễm ở cộng đồng đủ thấp", PGS Đỗ Văn Dũng nói.

Ông cho biết thêm các quốc gia ở Âu Mỹ, việc mở cửa trường học đã được thực hiện từ trước khi có chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Pháp đã mở lại trường học từ tháng 3, 4, khi trẻ em vẫn chưa tiêm vaccine.

Thứ tự ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19

Chia sẻ với Zing, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho biết đối với việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, ông ủng hộ chiến dịch này. Bởi khi cả nước chưa đạt miễn dịch cộng đồng, trẻ em vẫn có thể bị nhiễm. Các cháu vẫn phải đến lớp và sinh hoạt tập thể.

Ở Mỹ và một số quốc gia khác, trẻ vẫn nhiễm biến chủng Delta, bệnh nặng và tử vong dù tỷ lệ ít hơn các độ tuổi khác.

Tuy nhiên, trong điều kiện vaccine về chưa nhiều, để đạt hiệu quả phòng, chống dịch tốt, ngoài ưu tiên lực lượng tuyến đầu, các địa phương cần tiêm vaccine Covid-19 theo lứa tuổi từ cao xuống thấp. Đầu tiên là người trên 80 tuổi, sau đó tuần tự đến tuổi thấp hơn.

"Về nghề nghiệp, các địa phương tập trung những người yếu thế, lao động chân tay, bởi họ sợ đói hơn sợ dịch. Những người làm ngành nghề khó đảm bảo 5K như bán hàng rong, vé số, hàng quán ven đường, bởi chỉ một người trong số họ là F0 thì rất khó truy vết", bác sĩ Tuấn nói.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 3/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành giáo dục, y tế phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, phương án xử lý khi có ca mắc tại trường.

WHO đã khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.

Trong văn bản mới nhất, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Đặc biệt, ưu tiên tiêm đủ liều cho các trường hợp từ 50 tuổi trở lên.

Đối với vaccine để tiêm cho trẻ em, trong tháng 11, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ phân bổ ưu tiên địa phương có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, có mật độ dân cư tập trung đông, nguy cơ lây nhiễm cao và mở rộng dần trên toàn quốc.

Về việc tiêm vaccine tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, các địa phương đã tổ chức là TP.HCM, TP Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Long.



Xử lý thế nào khi trẻ gặp phản ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19? Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, sau khi tiêm vaccine Covid-19, trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ tương tự người lớn.


Điểm yếu của hệ thống y tế TP.HCM qua đợt dịch Covid-19 lần 4

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận có thời điểm việc dự báo diễn biến dịch không theo kịp sự lây lan của biến chủng Delta.

Cần sớm tiêm vaccine cho người lao động quay trở lại TP.HCM

Các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ở TP.HCM từ người lao động ngoại tỉnh là có nhưng không quá lớn. Vì vậy, thành phố cần nhanh chóng tiêm vaccine cho họ.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm