Hàng loạt bất cập giảng dạy môn đạo đức trong trường học phổ thông được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước TS.Chu Văn Yêm chỉ ra từ kết quả khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình.
Những vụ đánh nhau của học sinh gây chấn động ngành giáo dục thời gian qua. |
Kết quả khảo sát được thực hiện 22 trường, 43 lớp đồng thời trực tiếp lấy ý kiến khảo sát 295 giáo viên, 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 cho hay: 39% giáo viên coi Giáo dục công dân (GDCD) là môn phụ, 52% cho rằng môn này chưa được quan tâm đúng mức, 73% cho rằng mức lương giáo viên không đủ sống, không có chế độ đãi ngộ dành riêng cho họ.
47% cho rằng trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn học này hiện chưa đảm bảo. “Cá biệt, có trường ở Hà Tĩnh không có giáo viên đúng chuyên môn nên bố trí cả giáo viên Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ,… dạy môn GDCD, coi đây như một nghĩa vụ “quay vòng” đối với tất cả giáo viên trong trường” – ông Yêm cho hay.
Đa số ý kiến cho rằng việc lồng ghép là cần thiết. Nhưng trên thực tế để đưa giáo dục đạo đức vào bài giảng môn khác càng lên lớp cao càng khó khăn do khối lượng kiến thức từng môn học gia tăng và tính chuyên sâu cao hơn. 39% giáo viên cho rằng số tiết học dành cho môn học này như hiện nay là không phù hợp.
Về giáo trình, chương trình, SGK môn đạo đức/GDCD ở cả 3 cấp in đen trắng, tranh ảnh minh họa ít (sách lớp 8 không có hình ảnh). Từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn.
Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng.
Cụ thể: ở bậc THCS tỷ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.
Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) Ngũ Duy Anh nhìn nhận, tình trạng không trung thực trong thi cử vẫn còn khá nhiều ở các trường. Khảo sát và phỏng vấn sâu 3000 cán bộ, giáo viên của Bộ GD-ĐT cho thấy 18,59% HSSV được hỏi hiện tượng quay cóp khi làm bài kiểm tra còn tương đối nhiều, chỉ 32,38% cho là không có. Khi được hỏi về việc gian lận trong thi cử có đến 35,92% phân vân trước các hành động này...
Để giáo dục lối sống, đạo đức cho HSSV theo ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo TƯ) mỗi người cha người mẹ, người thầy... phải là tấm gương sáng. Ta cứ rao giảng đạo đức, phải thế này thế kia mà chính chúng ta không làm gương thì dạy người trẻ, con cái làm sao?