Cục kiểm tra chất lượng vải sợi của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc điều tra hàng loạt dây chuyền sản xuất, gia công, kinh doanh bông và sự thật được công bố khiến nhiều người phải giật mình.
Con đường lây truyền các bệnh dịch
Theo Chinadaily, bông để sản xuất những chiếc chăn ấm áp không chỉ là nguyên liệu sợi hóa học, nguyên liệu công nghiệp, thậm chí còn là từ những rác thải y tế ở những bệnh viện, khủng khiếp hơn là rác thải của nhà tang lễ. Tại huyện Nhạc Dương, một nhà xưởng có biển hiệu "Thành Tín Gia Phưởng" không hề bắt mắt nhưng việc giao dịch kinh doanh bên trong lại vô cùng sôi động. Ông chủ xưởng này cho biết, dịp này đang vào mùa sản xuất, tiêu thụ, hàng chục cửa hàng ở khu vực Nhạc Dương đều là khách hàng của họ. Một cửa hiệu nhỏ, không tiếng tăm nhưng thực ra lại là xưởng làm ăn lớn.
Theo nhân viên điều tra, những chiếc chăn bông nhìn bề ngoài trắng sáng nhưng chỉ cần cắt 1 lớp thì sẽ lộ ra chỉ, sẽ thấy bên trong không phải là bông mà tổng hợp nhiều loại sợi. Thực ra đây chính là loại bông mà mọi người hay gọi là "bông đen." Để xác minh điều này, nhân viên điều tra đã mang bông về kiểm định tại Cục kiểm tra chất lượng vải sợi của tỉnh Hồ Nam. Kết quả cho thấy, tất cả các loại bông đều không phù hợp với tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Các xưởng gia công bông ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, chủ yếu sử dụng nguyên liệu là những loại bông cũ để gia công lại và mối nguy hiểm tiềm ẩn khi bông cũ chứa rất nhiều vi khuẩn và dễ truyền nhiễm bệnh dịch. Tại trung tâm phân phối, giao dịch, gia công "bông đen" ở đây, hàng nghìn chiếc chăn bông được làm từ bông cũ. "Bông đen" lại được phân làm nhiều loại khác nhau. Nhiều loại bông nguyên liệu chỉ có giá chưa đầy 1 nhân dân tệ/1 kg (chưa đến 3.500 đồng) nhưng sau khi gia công thành các loại chăn bông, giá của nó có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Mức lợi nhuận như vậy khiến các ông chủ ở đây sản xuất chăn bông bằng mọi loại nguyên liệu, trong đó có nguyên liệu từ bệnh viện, thậm chí là cả nhà tang lễ. Họ bán cả chăn và quần áo của người chết để gia công làm chăn bông. Theo các chuyên gia, những chiếc chăn kém chất lượng làm từ bông bẩn là con đường lây truyền các bệnh dịch.
Chăn bông Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại. |
Quần áo trẻ em chứa chất độc hại gây ung thư
Trong đợt kiểm tra, xét nghiệm mới đây ở Trung Quốc đã phát hiện một lượng lớn quần áo trẻ em lưu hành ở tỉnh Quảng Châu có chất độc hại với tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng lên tới 30%. Cụ thể, Cục Công Thương thành phố Quảng Châu vừa công bố kết quả phân tích, xét nghiệm một số mẫu quần áo trẻ em lưu hành ở Quảng Châu.
Trong số 138 mẫu lấy ngẫu nhiên thì có tới 42 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 30%. Trong đợt kiểm tra, xét nghiệm lần này, có 2 mẫu sản phẩm chứa hàm lượng hợp chất amin thơm có thể gây ung thư vượt tiêu chuẩn. Nếu chất này ngấm qua da vào cơ thể có thể khiến người sử dụng bị ung thư. Ngoài ra, cũng có hơn 10 mẫu có nồng độ pH vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ pH trong quần áo quá cao hay quá thấp đều có thể làm mất cân bằng độ pH của da, khiến da trở nên rất nhạy cảm, rất dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công.
Trong số các mẫu quần áo lấy phân tích, có 31 mẫu có hàm lượng thành phần sợi không đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý, rất nhiều mẫu quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng này lại được bán tại các siêu thị bách hóa nổi tiếng của Quảng Châu. Cục Công Thương thành phố Quảng Châu đã tiến hành xử phạt những người tiêu thụ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, đồng thời cho thu hồi toàn bộ những sản phẩm này để xử lý theo luật định.
50% sản phẩm thiếu an toàn là từ Trung Quốc
Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố một báo cáo về an toàn sản phẩm, theo đó trong năm 2011, 54% số sản phẩm từ Trung Quốc nhập khẩu vào EU có dấu hiệu không an toàn cho sức khỏe cho người sử dụng.
Từ khi hệ thống cảnh báo của EU (RAPEX) đi vào hoạt động năm 2004, Trung Quốc luôn là quốc gia có nhiều sản phẩm bị hệ thống này cảnh báo nhiều nhất.
Năm 2011, RAPEX đã phát hiện và cảnh báo 1.803 sản phẩm Trung Quốc có chứa hợp chất nguy hiểm, trong đó chủ yếu là sản phẩm dệt may (423 trường hợp), đồ chơi (324) và thiết bị gắn động cơ (171), con số này đã giảm 20% so với năm 2010.
Bên cạnh đó, theo báo cáo về an toàn sản phẩm của Ủy ban châu Âu, trong năm 2014, sau Trung Quốc, có đến 19% số cảnh báo liên quan đến các sản phẩm có nguồn gốc từ chính các quốc gia châu Âu, 15% từ các quốc gia khác. Ngoài ra, có khoảng 8% số sản phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường EU, giảm 23% so với năm 2004. Theo quy định của EU, những sản phẩm bị phát hiện nguy hiểm, gây mất an toàn cho người sử dụng sẽ bị xem xét rút khỏi thị trường tiêu thụ của tất cả 27 nước thành viên EU.
Tại nhiều nước châu Á, kết quả kiểm nghiệm đối với mặt hàng quần áo may sẵn cho thấy 1 mẫu quần jean xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng formandehyde lên đến 333mg/kg. formandehyde thường được dùng là chất để ướp xác, khi tiếp xúc với cơ thể sẽ gây ra những tác hại xấu về sức khỏe về lâu về dài.
Hàng hiệu cũng chứa nhiều hóa chất độc hại
Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) vừa phát đi thông cáo quần áo, giày dép của hàng chục thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện có chứa hóa chất độc hại. Cuộc điều tra mới đây của nhóm chiến dịch môi trường cho thấy, ít nhất một mặt hàng từ mỗi thương hiệu được phát hiện có chứa hóa chất độc hại. Những chất này “có thể gây hại đến khả năng sinh sản của con người, hệ thống nội tiết và miễn dịch”.
Tổ chức Hòa bình xanh đã phân tích 82 sản phẩm được sản xuất tại 12 quốc gia, trong đó Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất, với 29 sản phẩm. Các sản phẩm được chọn ngẫu nhiên của các hãng Adidas, American Apparel, Burberry, C&A, Disney, Gap, H&M, Li-Ning, Nike, Primark, Puma and Uniqlo. Qua thử nghiệm, một số chất độc hại được phát hiện với nồng độ khoảng 1 mg trong mỗi kg sản phẩm. Cụ thể 50 mặt hàng (61%) được thử nghiệm chứa chất nonylphenol ethoxylates (NPEs), có thể làm rối loạn hoóc môn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của PFOA là hóa chất chứa ion perfluorinated, với hàm lượng cao, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người.
Đặc biệt, có một loại hóa chất độc hại được ví như "quái vật nhỏ” hiện diện trong tất cả loại quần áo, từ thiết kế sang trọng cho đến sản phẩm rẻ tiền. "Chất này đã gây ô nhiễm hệ thống kênh rạch từ Bắc Kinh đến Berlin. Đây là một cơn ác mộng đối với các bậc cha mẹ khi tìm mua quần áo không có chất độc hại cho con cái họ”, Chih An Lee, một thành viên của Tổ chức Hòa bình xanh ở Đông Á cho biết. Vào năm 2012, Green Peace đưa ra cáo buộc tại Bắc Kinh rằng, 2/3 sản phẩm may mặc từ Trung Quốc được thử nghiệm có chứa hóa chất độc hại.