Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo vi khuẩn trong ống nước nha khoa sau khi trẻ nhiễm bệnh

Theo CDC, trẻ bị nhiễm trùng vi khuẩn Mycobacteria không lao có thể mất răng vĩnh viễn, mất thính giác, liệt dây thần kinh mặt và xơ hóa vết mổ.

Hai đợt bùng phát nhiễm trùng vi khuẩn Mycobacteria không lao có liên quan đến các phòng khám nha khoa nhi vào năm 2015 và 2016. Ảnh: NBC News.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hôm 1/11 đưa ra lời khuyên sức khỏe về vi khuẩn trong hệ thống ống nước nha khoa sau khi trẻ em đến khám tại các phòng khám nha khoa nhi bị nhiễm vi khuẩn Mycobacteria không lao (NTM).

CDC cho biết đợt bùng phát nghi ngờ gần đây nhất xảy ra vào tháng 3, sau khi hai đợt trước đó được xác nhận vào năm 2015 và 2016.

Đường ống tại nha khoa dễ bị tích tụ vi khuẩn

Theo CDC, vi khuẩn được tìm thấy tự nhiên trong đất, bụi và nước, nhưng trong một số môi trường ẩm, vi khuẩn có thể kết tụ lại với nhau và bám vào các bề mặt, tạo thành màng sinh học rất khó loại bỏ. Ống nước nha khoa có nguy cơ phát triển các màng sinh học này đặc biệt cao vì "đường ống dài, đường kính nhỏ, tốc độ dòng chảy thấp được sử dụng trong nha khoa và thường xuyên bị ứ đọng".

Nhiều đợt bùng phát vi khuẩn Mycobacteria không lao đã gây ra tình trạng nhiễm trùng ở những trẻ em tại các phòng khám nha khoa nhi, nơi nước điều trị nha khoa có hàm lượng vi khuẩn cao.

Vào tháng 3 năm nay, CDC nhận thông báo về một nhóm nghi ngờ nhiễm trùng vi khuẩn Mycobacteria không lao ở trẻ em sau các thủ thuật nha khoa tại một phòng khám nha khoa nhi.

CDC không tiết lộ vị trí của cơ sở và không trả lời ngay lập tức yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung về đợt bùng phát đó. Tuy nhiên, cuộc điều tra diễn ra cho đến nay tiết lộ số lượng vi sinh vật trong ống nước nha khoa tại cơ sở này cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị.

nha khoa nhi anh 1

Các cơ sở nha khoa cần nắm rõ cách bảo quản và giám sát thiết bị nha khoa để đảm bảo nước điều trị nha khoa an toàn cho việc chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Haident.

Nhiều trẻ nhiễm bệnh do vi khuẩn tích tụ tại đường ống nước

Năm 2016, một vụ bùng phát tương tự có liên quan đến một phòng khám nha khoa nhi ở quận Cam, California. Tại đó, 71 bệnh nhân đã được chẩn đoán bị nhiễm trùng sau thủ thuật cắt xung, điều trị răng sữa bị sâu.

Phòng khám không sử dụng chất khử trùng trên đường ống nước của cơ sở nha khoa hoặc thường xuyên theo dõi chất lượng nước. Tất cả mẫu nước được kiểm tra từ các đơn vị nha khoa cho thấy số lượng vi sinh vật cao hơn mức khuyến cáo của CDC và nhiều loài NTM đã được xác định có trong mẫu nước của 5/6 phòng điều trị.

Năm 2015, 24 trẻ em bị nhiễm trùng vi khuẩn Mycobacteria không lao sau khi được chăm sóc răng miệng từ một phòng khám ở Georgia (Mỹ).

Những đứa trẻ bị ốm trong hai đợt bùng phát đó đều từ 4 đến 8 tuổi và bị nhiễm trùng nặng, một số phải nhập viện hoặc phẫu thuật. Một số bị "mất răng vĩnh viễn, mất thính giác, liệt dây thần kinh mặt và xơ hóa vết mổ", theo CDC.

Cơ quan này khuyến cáo các phòng khám nha khoa xử lý đường ống nước của họ thường xuyên bằng chất khử trùng và giám sát chất lượng nước để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường.

CDC cho biết: "Các nhà cung cấp dịch vụ nha khoa nên tham khảo ý kiến ​​của nhà sản xuất thiết bị nha khoa để có các phương pháp, thiết bị phù hợp nhằm duy trì và giám sát chất lượng của nước tại nha khoa".

Ngoài ra, tất cả nhân viên phòng nha phải được đào tạo về cách duy trì và giám sát chất lượng nước khi họ sử dụng và khi mua thiết bị mới. Bên cạnh đó, bệnh nhân được khuyến khích hỏi nhà cung cấp dịch vụ nha khoa về các phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng cho họ.

Các vi sinh vật gây bệnh được tìm thấy trong nước tại các cơ sở nha khoa nếu không được xử lý có thể bao gồm Legionella, Pseudomonas aeruginosa.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Sai lầm khi cho rằng cúm B không nguy hiểm bằng cúm A

Mặc dù ít phổ biến bằng cúm A, cúm B vẫn là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm