Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo 'yêu râu xanh' đội lốt thầy giáo

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng các vụ việc dâm ô và xâm hại diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc xử lý còn quá nhẹ.

Ngày 23/6, Phòng GD&ĐT Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết tạm đình chỉ công tác ông Vũ Hữu Thuận (trường THCS Vĩnh Bình Nam 1, xã Vĩnh Bình Nam) đến ngày 27/6 vì gọi nữ sinh đến nhà riêng, ôm hôn nhiều lần và có lời nói khiếm nhã.

Cùng ngày, báo chí đưa tin Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ký quyết định cách chức Trưởng phòng GD&ĐT huyện này vì vì sàm sỡ giáo viên nữ trong phòng làm việc.

Trước đó, 17/6, Công an huyện U Minh Thượng khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Châu (49 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở xã Minh Thuận) vì dụ hai học sinh lớp 2 vào nhà vệ sinh để sờ vào "vùng kín".

Cùng tháng, thầy giáo N.H.N. (38 tuổi) bị công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) tạm giữ để điều tra, làm rõ vụ dâm ô 4 nam sinh trường THCS Phước Minh.

Những vụ dâm ô, quấy rối tình dục xảy ra liên tiếp trong môi trường giáo dục khiến không ít người lo ngại.

Yeu rau xanh hoc duong anh 1

Hàng loạt vụ dâm ô, xâm hại tình dục xảy ra trong môi trường giáo dục khiến dư luận lo ngại. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cần cho ra khỏi ngành

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, cho rằng các vụ việc dâm ô và xâm hại còn diễn ra ngang nhiên với mức độ nghiêm trọng như hiện nay có nguyên nhân đến từ việc xử lý chưa nghiêm. Thậm chí, có nơi, việc xử lý mang tính nể nang, hoặc dựa trên sự đàm phán với cha mẹ học sinh.

“Đã có phụ huynh than phiền với tôi rằng khi họ tố cáo kẻ dâm ô con mình, câu hỏi mà họ nghe nhiều nhất từ các cấp xử lý lại là: Vậy gia đình muốn giải quyết như thế nào? Rõ ràng, các kẽ hở của pháp luật đã tiếp tay cho một số kẻ coi thường tính mạng và nhân phẩm trẻ em, phụ nữ”, TS Hương bày tỏ quan điểm.

Bà khẳng định người có hành vi xâm hại người khác, dù vi phạm ở mức độ nào, cũng không xứng đáng đứng trong đội ngũ nhà giáo.

Theo bà Hương, để những “con sâu nguy hiểm” đó trong ngành sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến giáo viên chân chính và hoạt động học, dạy ở các trường.

Trong khi đó, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), thông tin Luật Trẻ em 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Trong đó, quy định dâm ô với người dưới 16 tuổi tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

“Hiện tại, chúng ta có đến 16 cơ quan có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhưng có thể sự phối hợp hoạt động bảo vệ học sinh chưa được chặt chẽ và hiệu quả. Nhiều vụ việc chưa được phát hiện, xử lý nhanh chóng, dứt điểm và kịp thời”, ông Nam đánh giá.

Ông nói thêm trong thời gian học ở nước ngoài, trước khi xuống trường học gặp gỡ học sinh, ông cùng bạn học phải tiến hành lấy dấu vân tay để kiểm tra. Cơ quan an ninh so dấu vân tay trên hệ thống để loại trừ những người có lịch sử bạo hành hoặc nguy cơ xâm hại trẻ em.

Những người từng có lịch sử xâm hại hoặc bạo hành trẻ em tất nhiên bị cho thôi việc và luôn phải công khai lý lịch tư pháp khi muốn đăng ký tìm công việc mới.

Họ sẽ bị cấm làm tất cả vị trí công việc trong tương lai có liên quan tiếp xúc trẻ. Thậm chí, họ phải công bố lý lịch tư pháp của mình đến những người đứng đầu khu vực nơi sinh sống để có biện pháp phòng ngừa những sự việc tương tự có thể xảy ra. TS Trần Thành Nam cho rằng Việt Nam chưa thực hiện được điều này.

Yeu rau xanh hoc duong anh 2

Người lớn cần dạy trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, xâm hại. Ảnh minh họa.

Dạy học sinh bảo vệ mình

TS Vũ Thu Hương cho rằng phương án bảo vệ con trẻ tốt nhất là giáo dục giới tính và rèn kỹ năng phòng tránh xâm hại cho con nhiều nhất có thể.

Nếu các bài học diễn ra một lần, trẻ chỉ kịp nhận ra hành vi đó là dâm ô, hay xâm hại mà không đủ khả năng thoát hiểm. Muốn các con thật sự tự lo được cho bản thân, việc rèn kỹ năng phòng tránh dâm ô, xâm hại cho trẻ phải được tiến hành hàng ngày và trong thời gian dài.

Môi trường giáo dục của chúng ta còn đề cao quá nhiều về kiến thức môn học mà coi nhẹ kỹ năng và đặc biệt là đạo đức, tư cách. Nếu không chú trọng rèn luyện tư cách đạo đức, chính các em có thể trở thành tội phạm, kể cả tội dâm ô, xâm hại.

TS Vũ Thu Hương

Ngoài ra, bà cảnh báo trẻ em dù trai hay gái cũng đều có thể trở thành nạn nhân của "yêu râu xanh". Vì vậy, việc giáo dục giới tính phải được làm đồng bộ ở cả trẻ trai và gái.

Những hiểu biết sai lệch hoặc thiếu hiểu biết ở giới trẻ cũng gây ra rất nhiều vụ việc đáng tiếc. Vì thế, cần có sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh và giáo viên các nguy cơ xâm hại của trẻ.

“Môi trường giáo dục của chúng ta còn đề cao quá nhiều về kiến thức môn học mà coi nhẹ kỹ năng và đặc biệt là đạo đức, tư cách. Với học sinh, nếu không chú trọng rèn luyện tư cách đạo đức, chính các em có thể trở thành tội phạm trong hôm nay hoặc ngày mai, kể cả tội dâm ô, xâm hại”, bà nói thêm.

Nữ tiến sĩ nhấn mạnh cần có biện pháp giáo dục đạo đức cho trẻ em và người lớn song song các phong trào hướng dẫn giáo dục phòng tránh và ứng phó với xâm hại.

Trong khi đó, TS Trần Thành Nam chú trọng việc phòng chống quấy rối tình dục học đường. Ông lập luận những vụ việc xâm hại tình dục học đường nghiêm trọng đều xuất phát từ hành vi quấy rối tình dục rồi bắt đầu leo thang. Thậm chí, nhiều hành vi quấy rối tình dục học sinh còn không bị phát hiện, khi giáo viên cũng cho rằng đó là chọc ghẹo, tán tỉnh nhau.

Chính nạn nhân cũng cảm thấy xấu hổ hoặc bị đe dọa hãm hại nếu nói ra. Do đó, 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động nào phản ứng lại khi gặp phải các hành vi quấy rối tình dục, ông Nam cho hay.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng cần tích hợp việc phòng chống quấy rối tình dục vào nội quy nhà trường hoặc quy tắc ứng xử trong trường. Các trường cũng có thể đưa ra bộ quy tắc riêng, trong đó bao gồm các nội dung như định nghĩa và minh họa hành vi quấy rối tình dục, hướng dẫn cho nạn nhân, thủ tục khiếu nại, các hình thức kỷ luật…

Đồng thời, trường cần thiết lập hệ thống giám sát phòng chống quấy rối tình dục, quán triệt cho cán bộ công nhân viên trong trường. Cuối cùng, nhà trường cần thông báo công khai điện thoại, địa chỉ liên lạc của những cán bộ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề này.

Bên cạnh đó, đưa nội dung về quấy rối tình dục học đường tích hợp trong nội dung giảng dạy phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục đang được triển khai để giúp học sinh hiểu về mức độ phổ biến và hậu quả của nó.

Cách ứng xử của cha mẹ khi thấy con nhắn tin khiêu dâm

Bà Klare Heston, chuyên gia tâm lý tại Ohio, Mỹ, gợi ý phụ huynh cách ứng phó khi bắt gặp con "sexting", bao gồm 3 bước cơ bản là trò chuyện, hành động và xử lý hậu quả.

'61% nữ sinh bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân'

Theo TS Trần Thành Nam, trong số 572 học sinh, sinh viên tham gia khảo sát, 61% bạn nữ cho biết họ bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân. Tình trạng "sexting" có xu hướng gia tăng.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm