Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác khi trẻ vòng 2 to hơn vòng 3

Nhiều người nghĩ phải ở lứa tuổi trung niên thì mới xảy ra tình trạng béo bụng, nhưng trên thực tế tỷ lệ này ở trẻ em không hề nhỏ và có xu hướng gia tăng.

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM thực hiện trên gần 5.000 trẻ em trong độ tuổi 10-15 ở TP HCM cho kết quả: 22,1% số này bị thừa cân, 13,4% béo phì và 31,3% bị béo bụng.

Như vậy có nghĩa là cứ trong 3 trẻ thì có 1 trẻ béo bụng, tỷ lệ trẻ nam bị béo bụng nhiều hơn nữ, học sinh nội thành béo bụng nhiều hơn học sinh ngoại thành. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều thành phố lớn.

Béo bụng là tình trạng dư thừa mỡ ở vùng bụng, đặc biệt dư thừa mỡ trong nội tạng (mỡ bám quanh ruột, buồng trứng, thận, gan…); còn béo phì là dư thừa mỡ ở toàn thân. Theo các bác sĩ tình trạng béo bụng là yếu tố gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe hơn cả béo phì.

Trẻ béo bụng dễ có nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Trẻ béo bụng cũng dễ rơi vào trạng thái ngưng thở lúc ngủ, gây ra tình trạng thiếu oxy não mức độ nhẹ. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ khiến kết quả học tập không cao.

Béo bụng còn khiến trẻ dễ có nguy cơ mắc đái tháo đường, ung thư đường tiêu hóa. Trẻ cũng dễ mặc cảm, tự ti với bạn bè…Không chỉ trẻ từ 10-15 tuổi, ngay cả trẻ 6-10 tuổi bị béo bụng cũng có chiều hướng gia tăng.

“Trẻ bị béo bụng ở độ tuổi càng nhỏ thì nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính không lây càng cao. Trẻ bị béo bụng dễ có nguy cơ vô sinh khi trưởng thành do mỡ bám quanh buồng trứng, thận…” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM khuyến cáo.

Về nguyên do gia tăng tình trạng béo phì và béo bụng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chỉ ra rằng xuất phát từ hai nguyên nhân chính là nạp quá nhiều năng lượng và lối sống thụ động. Theo khảo sát từng đối tượng trong những nghiên cứu cho thấy rất nhiều trẻ em nạp nhiều hơn 2.500 kcal/ngày, trong khi con số vừa phải với một trẻ vào khoảng 10 tuổi là 2.100 kcal/ngày. Đa phần trẻ béo bụng đều thích uống nước ngọt, đồ uống có ga, ăn đồ ăn nhanh.

Trong khi đó, nghiên cứu phỏng vấn các em béo phì, béo bụng về lý do ít chơi thể thao thì phần đông nhận được câu trả lời: “Không có thời gian chơi”. Lịch học của các em dày đặc, giờ học thể chất trên trường thì chưa đủ để đốt bớt năng lượng cho trẻ. Mỗi tuần nhà trường thường có 1-2 buổi giáo dục thể chất, nhưng trẻ chỉ khua chân múa tay cho có chứ không có tác dụng gì nhiều. Ngoài giờ học, vì thiếu chỗ chơi nên trẻ khó có thể tham gia các trò chơi vận động như đạp xe, đá bóng, chạy nhảy… mà đa phần chọn hình thức giải trí là xem ti vi, chơi game…

Đáng nói là đa phần phụ huynh chưa ý thức được tình trạng béo phì, béo bụng ở con. Có tới 15% bà mẹ có con thừa cân béo phì vẫn muốn con tiếp tục tăng cân, 30% bà mẹ có con thừa cân béo phì không biết tình trạng của con mình. Theo các bác sĩ, để phòng béo bụng, không nên cho trẻ sử dụng nhiều thực phẩm giàu năng lượng như mỡ động vật, đường, bánh kẹo, nước ngọt.

Nên cho trẻ ăn cơm đúng giờ và dùng nhiều rau xanh, không ăn vặt. Mỗi ngày trẻ nên hoạt động thể lực ít nhất hai tiếng, trong đó dành hẳn một tiếng chơi những môn thể thao mà trẻ yêu thích (đá bóng, bơi lội, chạy bộ, đi bộ…). Thời gian cho trẻ ngồi một chỗ xem truyền hình, sử dụng vi tính không quá 2 tiếng/ngày.

http://m.anninhthudo.vn/khoe-dep/canh-giac-khi-tre-vong-2-to-hon-vong-3/632887.antd

Theo Trâm Anh/Báo An Ninh Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm