Bên trong canteen dành cho người lớn tuổi ở trung tâm thành phố Thượng Hải, một nhân viên khua miếng bọt biển tiến lại gần Maggie Xu (29 tuổi) trong lúc cô ăn nốt suất cơm với bông cải xào. Xu biết người này định làm gì, song chọn phớt lờ và tiếp tục bữa ăn.
"Nếu đến đây lúc 12h, các dì sẽ cho ít đồ ăn hơn. Sau 13h30, họ sẽ phát súp miễn phí và bắt đầu lượn lờ - giống như người cầm miếng bọt biển ban nãy - để thúc giục những người đến sau rời đi", Xu nói khẽ.
Nhiều người trẻ xếp hàng để nhận đồ ăn tại canteen. Ảnh: Qilai Shen/The New York Times. |
Maggie Xu quá quen với nhịp điệu trong canteen cộng đồng Tongxinhui vì cô ăn ở đây mỗi ngày để tiết kiệm chi phí. Mặc dù có công việc tốt là kế toán tại một công ty nước ngoài, Xu không thể thoát khỏi cảm giác bất an về tương lai. "Chỉ khi tiết kiệm được tiền, bạn mới thấy an toàn", cô bày tỏ.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khó khăn, người trẻ thất nghiệp không phải đối tượng duy nhất lo lắng. Giá trị bất động sản sụt giảm trầm trọng đã làm dấy lên cảm giác bấp bênh ở những lao động trẻ giống như Xu.
Đó là lý do mà một số người ở Thượng Hải tìm kiếm sự giúp đỡ tại các nhà ăn công cộng - nơi do tư nhân vận hành nhưng được nhà nước trợ cấp, chủ yếu phục vụ người cao tuổi và giờ đây thu hút nhiều người trẻ đến ăn hơn, theo The New York Times.
"Ngon, bổ, rẻ"
Đồ ăn ở nhà ăn công cộng có giá cả phải chăng và đa dạng món. Các suất cơm đôi khi chỉ 1,4 USD nhưng đầy ụ đặc sản địa phương như sườn non hấp tàu xì, thịt kho tàu... Tại "quán ruột" của Maggie Xu, thực khách từ 70 tuổi trở lên còn được giảm giá 15%.
Khi hàng xóm cũng như người lao động từ các cửa hàng, văn phòng nhỏ gần đó tập trung ở canteen để ăn trưa và tối, bàn ghế sẽ được lắp ráp nhanh chóng, xếp tràn ra lối vào để phục vụ "những cái bụng đang sôi sùng sục".
Trong khoảng nghỉ giữa các bữa ăn, những người lớn tuổi thường ngồi trò chuyện giết thời gian.
Đồ ăn phong phú ở nhà ăn công cộng. Ảnh: Qilai Shen/The New York Times. |
Phó giáo sư Seung-Joon Lee của Đại học Quốc gia Singapore cho biết các canteen xuất hiện cuối những năm 1950 của thời kỳ Đại nhảy vọt, khi Trung Quốc thay thế nhà hàng tư nhân bằng nhà ăn công cộng. Do đó, canteen có khả năng gợi lại nhiều cột mốc lịch sử đối với một số người.
Gần đây, nhà ăn công cộng nổi lên như một phần sáng kiến phúc lợi rộng khắp nhằm cải thiện dịch vụ ăn uống cho dân số già hóa nhanh chóng. Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc hiện có 6.000 nhóm địa phương điều hành nhà ăn công cộng; riêng Thượng Hải - nơi 1/5 dân số từ 65 tuổi trở lên - có 305 nhà ăn.
Người trẻ vốn không phải khách hàng mục tiêu của canteen cộng đồng Thượng Hải, song ngày càng ưa chuộng mô hình nhân văn này bởi các phần ăn thường hào phóng đến nỗi có thể chia thành nhiều bữa và "gói mang về".
Ở một số khu vực, phóng viên chứng kiến cảnh tượng người trẻ đứng cạnh người cao tuổi, tạo thành những hàng đôi kéo dài xuống đường phố. Mọi người hiểu rằng người trẻ không quá dư dả ở thời điểm hiện tại nên tìm đến các canteen để "lấp đầy chiếc bụng đói". Một số cư dân mạng ví canteen chẳng khác nào "ngôi nhà hạnh phúc của người nghèo".
"Tiêu dùng ngược"
Động lực sống tiết kiệm bắt nguồn từ tâm lý ngại chi tiêu đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, góp phần gây ra các vấn đề kinh tế đất nước, buộc quan chức cấp cao phải đối thoại trên tinh thần cấp bách về việc thúc đẩy sự tự tin chi tiêu.
Sự tự tin cũng chính là điều Deng Chunlong (31 tuổi) đang thiếu. Công việc kinh doanh dịch vụ huấn luyện cá nhân của Deng đang gặp khó khăn: một số khách hàng đã ngừng đến studio của anh; những người khác chỉ đăng ký 1/3 số lớp từng học.
Người già lẫn trẻ tập trung thưởng thức bữa ăn tại canteen. Ảnh: Qilai Shen/The New York Times. |
The New York Times bắt gặp Deng với dáng người dong dỏng cao và mái tóc bù xù đang ăn đồ giá rẻ tại canteen ở quận Jing'an (Thượng Hải). Deng gần đây còn chấm dứt hợp đồng thuê căn hộ và ngủ trong studio của mình.
"Việc kinh doanh không dễ dàng như trước. Mọi người không sẵn sàng chi tiêu nhiều như vậy", Deng chia sẻ trong lúc ăn súp lơ và thịt heo.
Khi phát hiện canteen này vào thời điểm một năm trước, anh thấy nơi đây chủ yếu là khách hàng lớn tuổi. Giờ đây, tệp khách hàng mở rộng với nhiều người trẻ ghé đến thường xuyên.
Khách hàng có thể tìm thấy canteen được liệt kê trên ứng dụng nhà hàng và mạng xã hội, đồng thời nhận được chia sẻ của mọi người về món ăn ngon, rẻ nên thử.
Khi lướt Dianping - một ứng dụng ẩm thực Trung Quốc, Charles Liang (32 tuổi, nhà thiết kế thời trang và đồ họa độc lập) phát hiện canteen Tianping ở Xuhui (Thượng Hải). Nhìn bên ngoài, Liang thấy canteen trông giống một nhà hàng hiện đại với cửa kính lớn và mặt tiền lát gạch đỏ. Trái ngược với cảm nhận ban đầu, không gian bên trong hệt như quán ăn tự phục vụ với đĩa nhựa đủ màu kém vệ sinh.
Nhiều lao động trẻ lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc nên chọn dùng bữa ở canteen để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Qilai Shen/The New York Times. |
Tuy nhiên, điều quan trọng với Liang là tiết kiệm tiền. Anh cho biết quá trình tìm việc đã trở nên khó khăn hơn, chưa kể đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp, khiến bản thân mơ hồ về tương lai và thận trọng trong tiêu dùng.
Vì thế, Liang thường xuyên ăn ở nhà ăn công cộng kể từ khi nó khai trương vào năm 2020. Bàn nào ở đây cũng kín chỗ; mọi người gần như ăn rất nhanh rồi rời đi.
Đợi cho đám đông thưa dần, một số người phục vụ và đầu bếp bắt đầu ngồi xuống dùng bữa. Bà Li Cuiping (61 tuổi), nhân viên đã làm việc tại đây nửa năm, nhận thấy người trẻ ghé đến đông hơn trong những tháng gần đây. “Mọi người đều được chào đón", bà nói.
Tại một canteen khác, nhân viên tên Fatty Yao tất bật dọn dẹp hơn chục chiếc đĩa đã hết sạch thức ăn do một nhóm nhân viên văn phòng trẻ tuổi để lại. Ông cho biết canteen đang phục vụ nhiều người trẻ như nhóm đó hơn.
Đây là nhóm đồng nghiệp của Qiu Long (24 tuổi) và 5 người khác cùng làm tại một công ty thiết kế ánh sáng. Họ mới ăn trưa ở canteen cách đây một tuần và chỉ mất 10 phút đi bộ.
Long cho biết cả nhóm sẽ tiếp tục quay lại bởi đồ ăn rẻ và phong phú hơn các nơi khác. "Đối với người lao động, canteen là nơi ăn uống hợp túi tiền", anh chia sẻ.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.