Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cao thủ' học Văn trong teen Sài thành

Bùi Lê Anh Thư là học sinh duy nhất của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, giành danh hiệu HSG quốc gia môn Văn khi mới chỉ học lớp 11 (năm học 2012-2013).

'Cao thủ' học Văn trong teen Sài thành

Bùi Lê Anh Thư là học sinh duy nhất của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, giành danh hiệu HSG quốc gia môn Văn khi mới chỉ học lớp 11 (năm học 2012-2013).

Anh Thư đã có những chia sẻ về tình yêu Văn học của mình.

- Chào Thư, niềm đam mê văn học của bạn bắt nguồn từ khi nào?

- Thời học cấp hai Thư chưa nhận ra niềm đam mê này. Nhưng sau khi tham gia một vài kỳ thi và giành được 1 số giải thưởng, mình chăm chút, đầu tư cho môn Văn hơn. Đến năm lớp 9, mình được cô giáo chủ nhiệm bộ môn Văn động viên đi thi và giành được giải nhì cấp thành phố nên thấy rất phấn chấn. Nhưng lúc ấy mình vẫn chưa đến với Văn học bằng tất cả niềm say mê. Chỉ đến đầu năm lớp 11, mình mới thật sự nhận ra điều đó.

Đam mê có thể ví như lửa. Lửa có thể màu này, màu khác, có thể lúc yếu lúc mạnh nhưng nó có thể sưởi ấm cho mọi thứ xung quanh và sẽ lại bùng cháy dữ dội vào một lúc nào đó thích hợp… Nhưng điều quan trọng, hãy giữ lửa!

 
Không chỉ suất sắc trong môn Văn, Anh Thư còn rất "pro" ở những bộ môn tự nhiên.

- Là người duy nhất và nhỏ tuổi nhất trong trường có giải trong cuộc thi chọn HSG quốc gia môn Văn bạn cảm thấy như thế nào?

- Mình cảm thấy may mắn vì văn chương đôi lúc khó phân biệt đúng sai rạch ròi, có lẽ thầy cô chấm bài đã đồng cảm với Thư ở một khía cạnh nào đó. Nhưng giải thưởng đôi khi không phải là điều nói lên tất cả, năng lực và niềm đam mê cần một quá trình dài để khơi dậy và chứng minh.

- Là học sinh lớp 11 tham gia một cuộc thi dành cho lớp 12, bạn phải đối mặt với những khó khăn nào?

- Khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu hụt về kiến thức, có những đoạn văn bản, những tác phẩm hoàn toàn xa lạ và mình phải tìm hiểu lại từ đầu.

Thêm nữa là thời gian ôn luyện kéo dài và bài vở chuẩn bị cho những buổi học khá nặng nên hầu như những kiến thức trên lớp Thư không theo kịp bạn bè. Các môn tự nhiên của lớp 11 cũng rất khó, vì thế có nhiều hôm Thư lên lớp với cái đầu trống rỗng và ngơ ngác như “người ở trển” mới xuống.

- Dù vậy Thư vẫn đứng đầu khối 11 năm học vừa rồi, bạn có “bí kíp” nào chăng?

- “Không biết thì phải hỏi” thôi! Mình áp dụng chiêu đó với tất cả các môn đang bị hụt kiến thức, những ngày không đi học bồi dưỡng mình lại mang sách vở môn học muốn hỏi sang những lớp chuyên môn ấy. Cứ thế vừa học từ thầy cô, vừa học lỏm từ bạn bè, mình đã có một kết quả cũng… không đến nỗi nào.

- Là một người yêu Văn, bạn có phải tuýp người lãng mạn không?

- Văn chương thường gắn với những điều lãng mạn, nhưng người học văn thì cần biết lúc nào lãng mạn và lúc nào thực tế. Đó là cách làm chủ cảm xúc, làm chủ mạch văn và xa hơn thế là làm chủ cuộc sống của mình. Cần có cả lãng mạn và thực tế để cuộc sống trọn vẹn hơn.

- Để làm một bài văn tốt, theo bạn điều quan trọng nhất cần có là gì?

- Đó chính là dàn ý. Nếu không biết cách lập dàn ý thì rất có thể trong quá trình viết bạn sẽ trở thành một người mù bị cảm xúc dẫn dắt mà trở nên lạc đường, đi hoài đi mãi vẫn không đến được đích cần đến. Còn ngược lại, bạn mang theo sự logic và tư tưởng thực tế ngay từ đầu vào dàn ý thì chắc chắn cảm xúc của bạn sẽ đi theo đúng hướng mà bạn muốn.

Dàn bài chính là cái khung xương chống đỡ cho cơ thể và cảm xúc là những bắp thịt rắn chắc. Mình còn nhớ, có một lần bài văn của mình bị cô giáo phê thế này: “Bài lập luận của em như đi vào làn sương mù!”, chỉ một câu như thế thôi và mình hiểu đã làm hỏng bài luận bằng cách nghe theo cảm xúc mà quên mất lý trí. Vậy nên, để học văn tốt, trước hết phải học cách lập dàn ý.

- Bạn có cách nào để khơi dậy niềm yêu văn chương của những bạn vốn không thích học Văn không?

- Văn học chính là nghệ thuật của ngôn từ, ngôn từ chính là nghệ thuật của cuộc sống, tất cả những gì bạn cảm nhận về cuộc sống, đó chính là một phần của văn học. Mình không nghĩ cứ phải đọc thật nhiều sách mẫu hay học thuộc lòng những câu văn hay lời ai đó lỗi lạc đã nói rồi đưa vào bài viết của mình thì sẽ có một bài văn giá trị.

Với mình văn chương gần gũi và bình dị lắm, ví dụ như khi bạn nghe một bản nhạc, xem một bộ phim bạn cảm thấy đồng cảm, có nhu cầu được được chia sẻ thì lúc ấy văn học cũng đã gieo vào lòng bạn một hạt mầm. Khi bạn ngắm nhìn những người yêu thương đang chìm vào giấc ngủ và muốn dùng những mỹ từ cao đẹp nhất miêu tả về họ, lúc ấy văn chương đã bắt đầu hé lộ những cái lá non đầu tiên. Và khi bạn cầm bút để viết về những điều mình đã trải qua, những suy ngẫm và trăn trở trong cuộc sống, thì văn học từ lúc nào đó đã trở thành một cái cây bé nhỏ nhưng có bộ rễ cắm sâu vào tâm hồn bạn mà chính bạn cũng không nhận ra… Học văn, đôi khi chỉ cần học yêu thương là đủ.

- Ngoài văn học ra, bạn còn đam mê điều gì không?

- Mình mê múa quyền lắm, nó thuộc bộ môn võ Tây Sơn mà mình đang theo học. Văn chương đã làm tâm hồn mình mềm mại lắm rồi nên mình cần một chút gì đó mạnh mẽ hơn.

Anh Thư trong lễ tuyên dương HS đạt giải trong kỳ thi Olympic 30/4/2012.

- Dự định tương lai của bạn là gì?

- Mình sẽ cố gắng học tập thật tốt, con đường phía trước của mình còn rộng, có thể mình sẽ trở thành cô sinh viên báo chí hoặc ngoại thương, mình còn đang băn khoăn giữa hai lựa chọn ấy.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm