Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần và ý thức của bà Đ. dần cải thiện. Ảnh: BVCC. |
Theo Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh), bệnh nhân là bà Đ.T.Đ. (78 tuổi, sống ở TP Cẩm Phả) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất phản xạ ánh sáng, da niêm mạc nhợt, tím môi, thở chậm, SpO2 69% và huyết áp 80/50 mmHg.
Được biết bà có tiền sử suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, tổn thương phổi sau mắc Covid-19. Theo người nhà, bà Đ. uống nhầm cùng một lúc 3 vỉ thuốc phenobarbital 100 mg (30 viên) nên đã ngủ suốt 30 giờ.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, viêm phổi trào ngược, hôn mê sâu do ngộ độc phenobarbital giờ thứ 30. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tổn thương thận cấp.
Trước tình trạng này, các bác sĩ chỉ định điều trị thở máy, hỗ trợ hô hấp, dùng kháng sinh điều trị tình trạng viêm phổi và lọc máu liên tục để điều trị tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương thận cấp, suy đa tạng...
Bác sĩ Phạm Hữu Giang, người trực tiếp cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ thuốc phenobarbital có tác dụng chống co giật, an thần và gây ngủ. Thuốc này thường được sử dụng để điều trị động kinh và một số trường hợp rối loạn giấc ngủ.
Điều trị kéo dài bằng phenobarbital có thể gây ngộ độc mạn tính vì thuốc được tích lũy trong cơ thể. Khi dùng quá liều, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng thần kinh, hô hấp, tim mạch và thận. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Sau 5 ngày tích cực điều trị, tình trạng bà cụ dần ổn định, ý thức cải thiện, hoạt động của thận và phổi dần cải thiện. Những ngày tiếp theo, nhận thấy bệnh nhân hồi phục tốt, bác sĩ cho bà cai thở máy, rút ống nội khí quản.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, mạch huyết áp ổn định, tiểu tốt và tiên lượng có thể ra viện trong vài ngày tới.
Qua trường hợp trên, bệnh viện khuyến cáo nếu có người thân đang sử dụng phenobarbital, bạn cần bảo quản thuốc cẩn thận, không giao thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi.
Trong trường hợp ngộ độc hoặc quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu và có uống thêm thuốc nào khác hay không. Việc cung cấp đầy đủ thông tin trên giúp nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.