Anh Trịnh Nam Thái và vợ là chị Phạm Bích Ngọc (cùng 33 tuổi, ở Hà Nội) đang tận hưởng những ngày hạnh phúc với nhiều trải nghiệm độc lạ ở Hy Lạp, một trong những mảnh ghép trên hành trình dài hạn chinh phục 197 quốc gia mà cả hai ấp ủ thực hiện từ lâu.
Anh Thái kể, ở châu Âu tuy đang là mùa lạnh nhưng thời tiết ở Hy Lạp lại ấm áp hơn (vì nằm gần xích đạo) và giá cả cũng khá rẻ nên cặp đôi quyết định khám phá nơi đây vào thời điểm này.
“Thời tiết mùa này ở Hy Lạp nắng ráo rất đẹp, chỉ hơi gió chút thôi và chưa đến mùa hoa giấy. Nếu đến đây tầm tháng 7 đến tháng 9, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh tràn ngập sắc hồng của hoa giấy, đẹp mê ly”, anh Thái nói.
Chuyến đi tới Hy Lạp kéo dài 15 ngày, nằm trong kế hoạch 5 năm khám phá và trải nghiệm cuộc sống ở các nước châu Âu của cặp vợ chồng. |
Vì Hy Lạp nổi tiếng là cái nôi văn hoá của châu Âu nên vợ chồng anh Thái chọn chỗ nghỉ tại các khách sạn có kiến trúc độc đáo để trải nghiệm với tiêu chí đẹp, rộng rãi, có điểm đỗ ô tô. Điều này cũng giúp cả hai thuận tiện chiêm ngưỡng cảnh đẹp khắp nơi và dễ dàng di chuyển tới các địa điểm du lịch mong muốn.
Hơn 2 tuần khám phá ở đây, anh Thái và chị Ngọc dành thời gian ghé thăm nhiều điểm đến như: Metéora, nơi có nhóm các tu viện cổ trên đỉnh núi, đẹp như trong phim kiếm hiệp; Zakinthos, hòn đảo sở hữu rất nhiều địa danh đẹp, nổi bật có rừng ô liu với những cây ước tính hơn 2000 năm tuổi; Sparta, nơi có thánh địa cổ xưa từng là địa điểm tổ chức Thế vận hội Olympic lần đầu tiên hay Nafplio, khu tự quản ven biển ở vùng Peloponnesos,…
Ngoài ra, họ còn tới tham quan 7 di tích với các khu chợ ở Athens và 3 ngôi làng ở Santorini. Ở Nafplio, đôi vợ chồng người Việt được tham gia một khu phố, chợ phiên của người dân địa phương với các mặt hàng chủ đạo là rau củ quả và đặc sản trong vùng,…
Không chỉ ấn tượng với cảnh quan ở Hy Lạp, cặp đôi du khách Việt còn mê mẩn ẩm thực của vùng đất này. Họ nhận xét đồ ăn tại đây rất ngon, hợp khẩu vị, trong đó các món được yêu thích nhất là mousaka (món ăn làm từ cà tím hoặc khoai tây, thường có thịt xay), thịt thỏ quay và pita (món bánh đặc trưng của vùng Địa Trung Hải),…
Một điểm cộng khác khiến Hy Lạp càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt đôi vợ chồng tuổi 33 chính là sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương.
Chuyến du lịch Hy Lạp trong 15 ngày của vợ chồng anh Thái có chi phí ước tính hơn 110 triệu đồng. |
Anh Thái kể, người Hy Lạp rất sẵn lòng chia sẻ nếu du khách muốn hỏi thông tin. Ví dụ, khi cả hai vào siêu thị và loay hoay không biết chọn loại sữa chua nào ngon thì một vị khách đã sẵn sàng đến tư vấn và chỉ cho họ rất chu đáo. Hay lúc lên đảo, cặp đôi còn được người dân tặng dầu ô liu hay cả chai dầu gội đầu,…
“Khi mình ở một căn biệt thự ven biển có thiết kế rất đẹp với tầm nhìn ra biển, nhưng do địa hình khá khó đi, phải di chuyển ăn tối bằng taxi mà đúng hôm trời gió, hai vợ chồng lại không mang tiền mặt nên nhờ ông chủ nhà gọi đồ ăn giúp. Lúc đồ ăn được giao đến, mình mới biết nhà hàng không chấp nhận thanh toán thẻ. May mắn, ông chủ đã giúp thanh toán hộ luôn, hết 32 euro, thực sự rất hào phóng”, anh nhớ lại.
Anh Thái cũng lưu ý, điểm trừ ở Hy Lạp là việc đỗ xe ngoài đường không đơn giản, du khách thường phải báo trước với khách sạn hoặc chỗ nghỉ thì mới có chỗ đỗ xe. Đặc biệt, gửi xe ở thủ đô Athen và các thành phố đông dân còn khó khăn hơn. Chưa kể giá vé tàu, phà cho ô tô khá cao, ngang ngửa vé máy bay nội địa.
Đôi vợ chồng không đặt mục tiêu phải đi bao nhiêu nước trong thời gian đó mà chú trọng việc trải nghiệm, tận hưởng từng nơi sẽ dừng chân. |
Về giao thông, ở Hy Lạp có nhiều tuyến đường cao tốc, nhiều trạm thu phí. Cứ một đoạn đường chừng 50km lại có một trạm, giá vé dao động từ 1,2 – 20 euro (khoảng 30.000 – 510.000 đồng). Vợ chồng anh Thái đi một vòng, tốn gần 100 euro (hơn 2,5 triệu đồng) cho phí cao tốc.
Thời tiết cũng là một rào cản. Mùa hè, nhiệt độ nơi đây có thể lên đến 50 độ C. Thời điểm cặp đôi tới đây là tháng 3, nhiệt độ chừng 9-15 độ. Tuy nhiên, trên núi cao vẫn lạnh nên du khách cần mang theo áo ấm.
Sau Hy Lạp, anh Thái và chị Ngọc sẽ có chuyến đi dài 3 tháng, tiếp nối hành trình khám phá các quốc gia ở châu Âu. Họ không đặt mục tiêu phải đi bao nhiêu nước trong thời gian đó mà chú trọng việc trải nghiệm, tận hưởng từng nơi sẽ dừng chân.
“Du lịch là cuộc sống, mà cuộc sống cũng là du lịch nên chúng mình không cần vội, cứ từ từ tận hưởng thôi”, anh Thái bày tỏ.