Theo kết luận điều tra vụ BIDV thiệt hại 1.500 tỷ đồng dưới thời ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT, cơ quan điều tra xác định bị can đã lợi dụng ví trí công tác để thâu tóm, lũng đoạn nhà băng và xúc tiến đầu tư, tài trợ vốn trái quy định.
Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà bị quy kết thành lập công ty sân sau không có năng lực tài chính để lập dự án đầu tư xin vay vốn tại BIDV. Sau đó, lợi dụng chính sách của Chính phủ, cố Chủ tịch HĐQT BIDV đã chỉ đạo cấp dưới cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau với các ưu đãi trái luật.
Ông Trần Bắc Hà về hưu tháng 9/2016 và mất khi đang tạm giam hồi tháng 7/2019. |
Theo kết luận điều tra, ông Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV giai đoạn 2008-2016 và là người đại diện 40% vốn Nhà nước tại nhà băng này.
Bị can thành lập 2 công ty sân sau. Trong đó Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do con trai Trần Duy Tùng (đang bị truy nã quốc tế) làm chủ tịch. Còn Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà thành lập sau khi ông Hà nhờ 3 cá nhân không có năng lực tài chính đứng tên.
Khi còn đương chức, ông Hà bị cáo buộc vi phạm quy chế làm việc của ngân hàng, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo và lấy danh nghĩa BIDV để xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho công ty sân sau. Điều đó gây ra hậu quả các doanh nghiệp sân sau khi được phê duyệt cho vay và nhận tiền giải ngân, đã chiếm đoạt để sử dụng cá nhân hoặc góp vốn trái quy định.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Trần Bắc Hà cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà gây thiệt hại cho BIDV hơn 680 tỷ đồng. Còn việc cấp tín dụng cho Công ty An Phú khiến nhà băng thất thoát trên 860 tỷ.
Kết quả điều tra chỉ rõ ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt việc chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho 2 doanh nghiệp trên khiến BIDV thiệt hại tổng số tiền hơn 1.500 tỷ.
4 bị can là cựu lãnh đạo nhà băng dưới quyền ông Hà, gồm Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa và Lê Thị Vân Anh đều có vai trò đồng phạm với ông Hà. Họ gây thiệt hại cho BIDV hơn 680 tỷ nên phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này.
Tuy nhiên, cơ quan công an xác định trách nhiệm chính, cao nhất trong vụ án thuộc về ông Hà. 4 bị can trên tuy đồng phạm ở các khâu khác nhau, nhưng phạm tội thứ yếu, không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty.
Bị cáo Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa. Ảnh: Bộ Công an. |
Các bị can trên còn bị ông Hà gây áp lực, áp đặt thời hạn hoàn thành công việc. Họ không thu lời bất chính, quá trình điều tra đều thành khẩn, ăn năn hối cải và nhận trách nhiệm.
Đặc biệt, bị can Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc BIDV) đã hợp tác, khai báo nhiều tài sản của ông Trần Bắc Hà, trong đó có việc ông Hà đầu tư 10 triệu USD vào Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LaoVietbank tại Lào), giúp cơ quan chức năng xác minh nhằm kê biên, phong tỏa.
Bị can Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) cũng đã chủ động và tích cực phối hợp cơ quan điều tra làm rõ dòng tiền, thu thập chứng cứ chiếm đoạt tài sản của các cổ đông Công ty Bình Hà, góp phần thu hồi hơn 200 tỷ cho BIDV.
Ông Trần Bắc Hà được xác định mắc bệnh về gan khi còn đương chức. Tháng 11/2018, cựu Chủ tịch BIDV bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đến đầu năm 2019, Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với ông Hà về cùng tội danh nói trên trong vụ án xảy ra tại Công ty Trung Dũng.
Sau hơn nửa năm bị tạm giam trong trại giam quân pháp, ngày 18/7, ông Hà được đưa đến Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) nhưng bác sĩ nơi đây xác định bệnh nhân đã tử vong ngoại viện.