Cặp đôi bị nhiều người chỉ trích vì hành vi phá hoại môi trường. Ảnh cắt từ clip. |
Bữa tiệc được tổ chức ở khu vực thác Queima-Pé River tại Tangará da Serra, bang Mato Grosso (Brazil) ngày 25/9. Cặp vợ chồng (chưa được tiết lộ tên) mời khoảng 50 khách, trang trí khu vực chân thác với hình một con cò trắng và dấu hỏi lớn làm bằng bóng bay, theo New York Post.
Trong khoảnh khắc tiết lộ giới tính thai nhi, dòng nước trên thác dần chuyển màu xanh lam trong tiếng hò reo chúc mừng của người tham dự.
Theo người dân địa phương, Queima-Pé River là nguồn cung cấp nước chính cho Tangará da Serra, khu vực gần đây chịu hạn hán kéo dài. Hiện, nhiều người lo ngại nguồn nước đã bị ô nhiễm.
Trên mạng xã hội, hành vi của cặp vợ chồng khiến nhiều người bức xúc, yêu cầu chính quyền địa phương trừng trị. Hiện, clip đã bị cặp đôi xóa khỏi trang cá nhân sau khi vấp phải phản ứng.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra mức độ gây hại đến môi trường của loại chất được ném vào thác nước. Nếu xác định có hành vi phạm tội, những người liên quan sẽ bị buộc tội và có thể bị bắt giữ theo quy định", Bộ trưởng Môi trường bang Mato Grosso cho biết.
Nhà chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc. |
Người đàn ông tên Anderson Reis, được cho là một trong những người chịu trách nhiệm tổ chức tiệc và nhuộm xanh dòng thác, phủ nhận việc sử dụng chất hóa học để tạo màu. Người này cho biết sẽ đưa ra thêm tuyên bố sau khi cuộc điều tra của cơ quan có thẩm quyền hoàn tất.
Tại một số nước, nhiều cặp vợ chồng có xu hướng tổ chức các bữa tiệc thông báo giới tính thai nhi với đủ hình thức từ bắn pháo hoa, rải bột màu cho đến pháo sáng, thiết bị phát nổ... Màu hồng tượng trưng cho giới tính đứa trẻ sắp chào đời là con gái hoặc xanh lam là con trai.
Tuy nhiên, không phải bữa tiệc nào cũng kết thúc trong vui vẻ hoặc gói gọn trong không gian gia đình.
Tháng 2/2021, Christopher Pekny (28 tuổi, Mỹ) tử vong sau khi quả bom được anh tạo ra cho bữa tiệc tiết lộ giới tính của con bất ngờ phát nổ. Một số người khác tham dự bữa tiệc, bao gồm anh trai của Pekny cũng bị thương.
Trước đó, vào tháng 9/2020, thiết bị pháo hoa tạo khói tại bữa tiệc tương tự ở bang California (Mỹ), khiến 2.800 hecta đất bị thiêu trụi và 3.000 cư dân phải sơ tán.
Cùng tháng, vlogger Anas Marwah và vợ Asala, chủ kênh YouTube ở Canada có gần 8 triệu người đăng ký, bị ném đá khi thắp sáng tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai (UAE) để tiết lộ giới tính đứa con chuẩn bị chào đời. Nhiều người cho rằng hoạt động ước tính tốn hơn 95.000 USD là tốn kém và vô nghĩa.