Ngày 26/12, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết vừa mổ tách khối bướu lớn thành công, giúp bệnh nhi 12 tuổi thoát cảnh gù lưng.
Mẹ bé Bế Trung Tín (12 tuổi, quê Phú Yên) cho hay bé có biểu hiện gù lưng vào một năm trước. Một khối bướu hình thành khiến bé ngủ khó và mệt. Một tháng gần đây, bé có biểu hiện đau và tê chân nên được gia đình chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 để thăm khám.
Sau 2 ca mổ khối bướu khủng đã được tách khỏi lưng cậu bé 12 tuổi.Ảnh: Phú Mỹ |
Tại đây, qua các xét nghiệm hình ảnh, bé Tín được chẩn đoán có khối bướu lớn chèn ép chiếm toàn bộ mặt phổi bên trái, kích thước 18cm x 13.5cm x 9cm và phát triển lan đốt sống, chèn ép lên tủy. Khối bướu khiến bé vẹo cột sống, tê yếu hai chân. Sau khi nhập viện, tình hình sức khỏe bé giảm sút nhanh khi sức cơ chân từ 4/5 giảm xuống còn 1/5, liệt cứng hai chân, tiêu tiểu mất cảm giác.
Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn toàn viện và liên viện để can thiệp phẫu thuật cho bé, tránh khối bướu gây di chứng không thể hồi phục được cho bé.
Bác sĩ Đinh Việt Hưng, khoa ngoại tổng hợp nhận định: “Trường hợp Tín khó khăn điều trị, khối bướu đã lan sang ống sống, nơi chứa tủy sống và các rễ thần kinh khiến cho bé yếu dần liệt dần. Không điều trị kịp thời, bé sẽ có nguy cơ liệt hoàn toàn và không hồi phục dù có giải quyết được bệnh."
Phương án phẫu thuật ưu tiên giải áp cho tủy sống, làm giảm tổn thương cho tủy đã được ê-kíp cân nhắc. Cùng sự hội chẩn với bệnh viện Ung bướu và tham gia phẫu thuật của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, sau 5 giờ, các bác sĩ đã bóc được toàn bộ khối bướu lan trong ống sống cho bé. Sau khi được giải áp cho tủy, bé Tín dần bớt tê chân và hồi phục.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, cho hay ê-kíp mổ cũng có tính toán rằng có nên mổ giải phóng khối bướu trong tủy và phổi cùng thời điểm hay không. Song, ê-kíp quyết định chờ vết thương cột sống lành và tìm ra bản chất của bướu trước. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bướu lành nhưng nằm vị trí khá hiểm, chèn ép tim, phổi và có khả năng lan vào cột sống.
Hiện bé trai đang được chăm sóc và theo dõi sau ca mổ tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Phú Mỹ |
Sau cuộc mổ đầu tiên, bé hồi phục rõ rệt. Từ không nhúc nhích được gì, bé co chân lên được và duỗi mạnh được làm động lực cho ca mổ tiếp tục. Sau ca mổ thứ hai, ê-kip mổ đã lấy trọn vẹn được khối bướu ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bé Tín đã tỉnh, vết mổ tương đối ổn.
Theo bác sĩ Hiếu bệnh viện từng phẫu thuật nhiều bệnh nhi có khối bướu khủng trong lồng ngực song tình trạng bướu lan vào ống sống là lần đầu tiên gặp. Bướu lan vào ống sống tỷ lệ thấp, chỉ chiếm từ 1-3%. Trường hợp bướu của bệnh nhi là dạng bướu lành, khả năng tái phát thấp.