Bo Bo Chượt đến từ một xã miền núi xa xôi của huyện Khánh Sơn, nơi có 86% dân số là đồng bào Raglai. Cậu bé vốn quen với những con suối, cánh rừng bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến thành phố sầm uất.
Bo Bo Chượt đang sửa ống nước tại nhà. |
Gặp Chượt sau một ngày đi rừng vất vả nhưng em vẫn nở nụ cười tươi rói. Vừa nghỉ hè, Chượt đã tạm biệt sách vở để trở về với rừng núi bạt ngàn. Chượt kể: “Em biết rẫy trước khi biết chữ”.
Gia đình Chượt ngày trước ở trong ngôi làng trong rừng sâu, cách đây chừng 5 cây số. Khi nhà nước làm đường nhựa qua xã Ba Cụm Bắc, gia đình em mới chuyển đến đây ở trong ngôi nhà do Nhà nước xây.
Những cánh rừng, mùa rẫy choáng đầy ký ức tuổi thơ của Chượt. “Nhà ở xa rẫy, có những mùa cả nhà lên rẫy trồng bắp, trồng lúa, em đi theo dọn cỏ giúp ba mẹ” - Chượt nhớ lại.
Nhớ nhất là những ngày khi làm rẫy xong, trời đã tối mịt, cả nhà đành phải dựng lều ở lại giữa chốn rừng thiêng nước độc, vì nhà cách rẫy quá xa. Khi đã chuyển nhà về trung tâm xã Ba Cụm Bắc, rẫy càng xa tít. Chiếc đèn dầu trở thành người bạn thân của Chượt mỗi đêm trên rẫy.
Khi Chượt lên lớp 8, chương trình vật lý có nhiều bài học về dòng điện xoay chiều. Lúc này, Chượt xem nhiều chương trình khoa học trên TV, hình ảnh máy điện gió với cánh quạt xoay tròn khiến cậu thích thú. Chượt ấp ủ ước mong làm một chiếc máy của riêng mình.
Nhà nghèo, gia đình có đến 7 chị em, cha mẹ chỉ đủ tiền mua gạo, Chượt làm sao để có tiền mua nguyên liệu chế tạo máy bây giờ? Khó khăn ban đầu khiến Chượt tiu nghỉu.
Một hôm, nhìn cha vót tre làm đũa bếp, Chượt nảy ra ý tưởng vót 2 thanh tre dẹp để làm cánh quạt. Trong nhà còn một chiếc máy nước cũ bị hỏng, Chượt tháo ra lấy môtơ. Ý tưởng bắt đầu khả thi, Chượt lấy tiền học bổng còn tiết kiệm được để mua dây và mạch điện để lắp ráp.
Sau một tuần lắp vào, tháo ra, chiếc máy điện gió đã hoàn thành. Phấn khích, Chượt tìm một ngọn cây cao treo chiếc máy lên đón gió, dòng điện khiến bóng đèn 12V sáng lên. Chượt nhớ lại, đó là ánh sáng tuyệt vời nhất em từng thấy.
Máy điện gió được Chượt đem đến rẫy treo lên ngọn cây đón gió trở thành nguồn sáng mỗi đêm cho cha và các anh lên rẫy. Ngoài công dụng chiếu sáng, Chượt còn dùng máy để sạc pin điện thoại và radio. Giữa đêm, ánh sáng và âm thanh từ chiếc đài radio đã xua đi cái thâm u thăm thẳm.
Tháng 10/2014, Trường THCS Ba Cụm Bắc phát động học sinh tham gia Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Khánh Hòa. Cô Thảo Nhi - giáo viên chủ nhiệm của Bo Bo Chượt - bất ngờ khi cậu học trò nói về chiếc máy điện gió này. Các thầy cô đã hỗ trợ Chượt làm lại mô hình để gửi đi thi.
Trong hàng trăm sản phẩm gửi dự thi, sáng tạo của Chượt dễ dàng chiếm được cảm tình của ban tổ chức, vì tính độc đáo của nó giữa hàng trăm sản phẩm của các học sinh “có điều kiện” hơn.
Sau niềm vui bất ngờ, Chượt trở lại cuộc sống thường nhật với những lo âu. Em ước mơ làm kỹ sư nhưng sợ cha mẹ quá nghèo, cắm mặt vào rừng quanh năm chỉ đủ nuôi cơm, đến chiếc xe đạp em đến trường cũng do nhà trường tặng.
“Ngày mai em không đi rẫy nữa, em mới xin được việc lột vỏ keo thuê, một ngày được 120.000 tiền công” - khoản tiền đó Chượt sẽ dành dụm cho năm học tới. Em vẫn mạnh mẽ tiếp ước mơ của mình dù nhiều gian nan phía trước.