Câu chuyện về ngoại ngữ đặt ra ở đây là: "Có phải với điểm IELTS trên 8 hay TOEFL iBT trên 100 là bạn có thể tự tin sẽ có công cụ ngôn ngữ để học tập thành công ở các nước nói tiếng Anh hay không? "
Câu trả lời là cả có và không.
Có nếu như bạn giỏi thật sự và thi TOEFL hay IELTS chỉ là thủ tục.
Không nếu như bạn dành toàn bộ mọi thứ khi học tiếng Anh vào mục tiêu có điểm cao và điểm cao này là do bạn trải qua quá trình luyện thi kéo dài vài năm. Khả năng sau, rất tiếc, lại là trường hợp và tình huống của hầu hết học sinh.
Nhiều bạn có điểm chuẩn hóa cao là tự tin và chủ quan cho rằng mình đã đủ "trình" tiếng Anh để học tập thành công tại nước ngoài. Đó là suy nghĩ ngây thơ các bạn nhé. Tôi có thể liệt kê ra đây những khó khăn về ngoại ngữ mà các bạn gặp phải:
1. Nghe bài giảng của giáo sư mà không hiểu gì. Nếu bạn chỉ đóng khung trong việc học tiếng Anh, tức là luyện IELTS hay TOEFL, dù đạt điểm rất cao, bạn chỉ có thể hiểu 40-50% lời thầy giảng.
2. Bạn không giao tiếp được khi không hiểu người ta nói gì, cũng như người ta không hiểu bạn nói gì.
Phải mất nhiều tháng, tình trạng này mới được giải quyết. Điều đó cũng có nghĩa sinh viên mất đi nhiều cơ hội kết giao bạn bè.
3. Khả năng đọc tiếng Anh cực chậm và không đáp ứng được việc đọc theo yêu cầu của giáo sư. Ví dụ như phải đọc cả mấy trăm trang sách hay tài liệu trong một ngày chẳng hạn.
Nhiều sinh viên vật lộn với bài và sách đọc chỉ cho chuyên môn, không thể mở rộng việc đọc sang lĩnh vực khác - thứ mới giúp bạn "chém gió" cùng bạn bè và khi ra khỏi môi trường lớp học.
4. Viết chán và quá đơn giản.
Các bài viết khóa luận giúp người học thể hiện mình sâu sắc nhất trước giáo sư và giành điểm. Nếu chỉ chú trọng kiểu viết luận của bài thi chuẩn hóa, vô hình chung, bạn đang đóng khung việc viết của mình. Khi du học, chúng ta sẽ viết các bài luận với thứ tiếng Anh chán ngắt và không thể diễn đạt hay bộc lộ khả năng chuyên môn, hay suy nghĩ cá nhân trước giáo sư.
Tức là cho dù bạn giỏi, người ta cũng không biết... bạn giỏi.
Câu chuyện thứ hai mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn trẻ có ý định du học là khi nào nên bắt đầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chuyên sâu?
Câu trả lời là càng sớm càng tốt, càng sâu càng tốt.
Học sinh, sinh viên nên có ít nhất 5-6 năm học tiếng Anh kiểu này trước khi du học. Ngoại ngữ là một quá trình thẩm thấu và lắng đọng kiểu trầm tích chứ không phải là cuộc cách mạng trong vài tháng hay một, hai năm.
Bạn phải học tiếng Anh để trở thành phản xạ tự nhiên và nghe bằng cảm nhận. Cảm nhận trước và hiểu sau. Tức là dùng tiếng Anh theo sắc thái chứ không theo ngữ pháp thông thường. Điều đó cần thời gian.
Chúng tôi mong rằng, khi đặt chân xuống sân bay du hoc, các bạn có thể hít thở không khí và tận hưởng việc ngắm cảnh trên đường từ sân bay vào thành phố về trường, thay vì thấp thỏm lo xem mình sẽ sử dụng tiếng Anh ra sao.
Ông Nguyễn Tuấn Hải là người sáng lập trường Eton Grammar School. Ông từng học tại Đại học Princeton, Mỹ và có 20 năm gắn bó với hoạt động giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn du học.
Một số bài viết của du học sinh trên Zing.vn
Du học sinh có thể chia sẻ thông tin về du học qua địa chỉ email toasoan@news.zing.vn. Những bài viết hay sẽ được lựa chọn đăng tải trên Zing.vn.