Thực hiện thẩm mỹ trên bất kỳ bộ phận nào cũng có nguy cơ gặp biến chứng. Ảnh: Shutterstock. |
"Sửa mũi nhiều lần tại nhiều trung tâm, cơ sở thẩm mỹ khác nhau nhưng không ưng ý, mũi lại nhiễm trùng, biến dạng, một nam bệnh nhân đã tìm đến chúng tôi với mong muốn lấy lại dáng mũi bình thường như ban đầu. Tuy nhiên, sau khi được khám và tư vấn, bệnh nhân này đành phải quyết định chấp nhận tháo bỏ hết để làm sạch, chờ cho bớt nhiễm trùng rồi mới tính chuyện làm đẹp sau".
Đây là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Quản lý và điều hành khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, về một trong rất nhiều ca biến chứng thẩm mỹ chuyên gia này từng tiếp nhận.
Hàng ngày, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận các trường hợp đến khám vì tai biến thẩm mỹ hoặc không ưng ý với kết quả sau khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ ở cơ sở thẩm mỹ bên ngoài.
Theo ước lượng, tỷ lệ này chiếm khoảng 10-30% tổng số ca đến khám mỗi ngày.
Nhiều loại biến chứng khi làm thẩm mỹ
Theo bác sĩ Thịnh, làm thẩm mỹ ở bất kỳ cơ quan nào cũng có tỷ lệ biến chứng nhất định.
Đối với phẫu thuật mi mắt, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nhắm mắt không kín, hai mi mắt không đều.
Ở mũi, biến chứng có thể là lệch sống mũi; nhiễm trùng; dị ứng với vật liệu, lộ vật liệu ra ngoài; biến dạng cánh mũi, đầu mũi bị dò, thủng da,... Thậm chí, một số trường hợp không lành sau phẫu thuật.
Đối với một số bệnh nhân tiêm filler ở mặt hoặc mông, biến chứng nhẹ nhất có thể gặp là dị ứng filler gây đỏ da, nặng hơn là nhiễm trùng, đôi khi phải nhập viện do mạch gây hoại tử da, mù mắt...
Phụ nữ phẫu thuật nâng ngực có thể gặp biến chứng co rút bao, dị ứng với túi ngực; xì, vỡ túi ngực...
Ở phẫu thuật hút mỡ, biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải là không hài lòng với kết quả thẩm mỹ hoặc vùng hút mỡ không đều, chỗ lồi chỗ lõm, nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí có thể tử vong.
Phẫu thuật thẩm mỹ ở bất kỳ bộ phận nào cũng có rủi ro nhất định. Ảnh: Pexels. |
3 kiểu nguyên nhân
Theo bác sĩ Thịnh, biến chứng thẩm mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng có thể chia làm 3 loại: Do bệnh nhân, do cơ sở y tế, do nhân viên y tế.
Một số bệnh nhân gặp phải biến chứng thẩm mỹ do chăm sóc vết thương không đúng cách, không uống thuốc đều đặn hoặc tự ý mua thuốc điều trị.
"Dù được dặn dò để vết thương khô, nhiều người vẫn tham khảo một số nguồn ở ngoài rửa vết thương, thậm chí lấy trứng luộc lăn cho bớt sưng. Hành động này có thể gây bỏng da hoặc nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Vài trường hợp khác gặp biến chứng vẹo lệch do tự gỡ băng khi chưa đủ thời gian để vật liệu cố định với cơ thể.
Một số bệnh nhân bị nhiễm trùng nhưng tự ra ngoài mua thuốc kháng sinh. Về lâu dài, cơ thể xuất hiện tình trạng kháng thuốc khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Biến chứng cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân lựa chọn làm thẩm mỹ tại các cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện hành nghề, không đảm bảo thiết bị và phòng mổ tuyệt đối vô trùng...
Nguy hiểm hơn, một số cơ sở không đầy đủ nhân lực, không có kinh nghiệm chuyên môn, không phát hiện kịp sớm các tai biến, biến chứng khi mới xảy ra, dẫn đến xử trí chậm trễ, không đúng gây hậu quả nghiêm trọng, khó khăn cho điều trị sau này, thậm chí là tử vong do ngộ độc, sốc thuốc….
"Đôi khi, tay nghề bác sĩ tốt, trang thiết bị đảm bảo nhưng thời gian mổ quá lâu, phòng mổ không đảm bảo hoàn toàn vô trùng, biến chứng vẫn có cơ hội xảy ra", bác sĩ Thịnh cho biết.
Một nguyên nhân gây ra biến chứng thẩm mỹ phổ biến khác đến từ các nhân viên y tế. Hiện nay, không ít bác sĩ chưa đủ tay nghề nhưng được nhiều bệnh nhân tin tưởng do quảng cáo thiếu trung thực, quá đà trên mạng xã hội.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.