Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Câu trả lời của Bộ trưởng khiến chúng tôi hoang mang'

"Tôi có cảm tưởng các Bộ trưởng khi điều hành công việc chỉ nghĩ đến nhiệm kỳ, lấy an toàn là chính mà ít thấy thời gian là cơ hội rất quan trọng", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Bên hành lang Quốc hội chiều 11/6, nhiều đại biểu cho biết vẫn băn khoăn sau khi nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Giáo dục lại giải thích về đề án 34.000 tỷ

Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận cho biết, một lần nữa làm rõ con số này trước Quốc hội và cử tri để tránh bị hiểu lầm là “vẽ ra đề án để thất thoát tiền của nhân dân”.

Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn bày tỏ: "Ngay từ kỳ họp khóa 10, Nghị quyết đã bàn đến chuyện thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà đến nay vẫn vậy. Thời gian là tài nguyên, là cơ hội. Bộ trưởng trả lời như vậy thì chúng tôi rất hoang mang không biết bao giờ thì đổi mới xong. Nhiệm kỳ của cả Quốc hội lẫn Bộ trưởng sắp xong rồi".

Theo ông Quốc, nhiều khi trả lời của Bộ trưởng chỉ là biện pháp để ứng phó với Quốc hội. Đề án quan trọng vậy nhưng Bộ trưởng lại thanh minh sai sót là do thủ tục, cách làm. Những việc đó gây mất lòng tin cho nhân dân. Mặc dù giáo dục thời gian qua đã có thay đổi, nhưng xã hội đang đòi hỏi phải có những đổi mới cấp bách.

"Tôi có cảm tưởng các Bộ trưởng khi điều hành công việc của mình chỉ nghĩ đến nhiệm kỳ, lấy an toàn là chính mà ít thấy thời gian là một cơ hội rất quan trọng", đại biểu này nói thêm.

Dẫn lại phát ngôn của Bộ trưởng Luận rằng "con số 34.000 tỷ là lỗi kỹ thuật", ông Quốc khẳng định điều đó không đúng. Bởi, Bộ trưởng với tư cách là vị tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi, kể cả đó là của cán bộ cấp dưới. 

"Để gây cho dân sự hiểu lầm cũng đã là một cái sai. Lẽ ra anh nhận đó là cái sai và sửa là hay nhất, không nên né tránh. Tương tự như việc lần này Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thừa nhận việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam là không có hiệu quả, dạy mà không dùng được. Điều này trước đây chưa bao giờ Bộ GD-ĐT dám nói, dám nhận", nhà sử học này băn khoăn.

Là người chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, đại biểu Hà Minh Huệ cho rằng, việc Quốc hội chấp thuận để Chính phủ rút không trình nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại kỳ họp này là đã rõ rồi, và sự thật là Bộ GD-ĐT có sai sót. 

"Bây giờ, điều quan trọng mà đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm là bao giờ làm xong đề án đổi mới này? Chúng tôi muốn nói rõ trách nhiệm Bộ GD-ĐT trong việc trình lên nội dung này. Bộ trưởng nói áp dụng kinh nghiệm trình Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa của năm 2000. Nhưng hiện nay đã là năm 2014, nếu áp dụng như vậy thì có thỏa đáng không? Bộ phải có sự đổi mới sau 14 năm chứ? Đang làm đề án đổi mới chương trình, SGK thì phải đổi mới ngay trong cách làm đề án chứ?", ông Huệ nêu hàng loạt câu hỏi.

Cũng theo đại biểu này, việc Bộ trưởng nói "con số 34.000 tỷ đồng đưa ra là do anh em bị khớp" là rất buồn cười. Trách nhiệm của Bộ trưởng cũng phải được làm rõ, chứ không đơn thuần chỉ là do lỗi kỹ thuật.

Đề cập tới thực trạng 72.000 cử nhân thất nghiệp, ông Trịnh Ngọc Thạch (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội) nhìn nhận, tình trạng này do ba nguyên nhân: không có kế hoạch nguồn nhân lực; nền kinh tế không ổn định, thị trường rất ít việc làm; người học quen với tư duy là đi xin việc. 

"Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có khả năng tự tạo việc làm cho mình, sao cứ phải xin việc, xin ai. Cơ chế bao cấp hiện nay không còn và nền kinh tế đa dạng với nhiều thành phần nên các sinh viên có thể tự tạo việc làm cho mình, cho xã hội", ông Thạch nói.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, theo đại biểu Thạch, thể hiện ở chỗ lập quá nhiều trường đại học, nhận quá nhiều người vào học và không thành công trong việc phân luồng sau THCS. Lẽ ra, tốt nghiệp THCS, học hết lớp 9 thì một bộ phận học sinh không có khả năng thì phải cho học nghề. Phân luồng là lỗi rất cơ bản và Bộ đã không làm được.

"Thất bại này cũng có lý do từ phía người dân ai cũng thích con mình học cao nên không muốn cho vào trường nghề. Ngoài ra, bộ phận đào tạo nghề của nước ta cũng rất yếu. Các tổ chức, cơ sở dạy nghề như hiện nay thì không ai vào học", vị Phó chủ nhiệm Ủy ban thẳng thắn.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm