Gần đây, nhiều người tìm đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) để cấy chỉ trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Đây được xem là bệnh khó khỏi và gây phiền toái cho người bệnh.
Cơ chế của cấy chỉ
Nói về điều này, bác sĩ Vũ Thái Bình, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho hay cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh đặc biệt, không dùng thuốc của châm cứu Việt Nam, bao gồm: chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ và thắt buộc chỉ.
Để thực hiện, bác sĩ đưa chỉ Catgut (chỉ tự tiêu) vào huyệt châm cứu của hệ thần kinh nhằm duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu.
Chỉ Catgut cấy vào huyệt vị có tác dụng làm tăng protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, nhờ có kích thích liên tục ở huyệt vị mà cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của bệnh nhân.
“Để điều trị viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ dùng một loại chỉ tự tiêu. Tính chất của loại chỉ này là một kháng nguyên được đưa vào cơ thể, nhằm kích thích cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại những yếu tố gây bệnh, trong đó có yếu tố dị ứng”, bác sĩ Bình nói.
Theo đó, khi người bệnh bị viêm mũi mủ buộc phải dùng kháng sinh. Nhưng viêm mũi do thời tiết, hắt hơi, sổ mũi hoặc viêm mũi dị ứng thì có thể dùng phương pháp này. Bởi kháng nguyên được đưa vào cơ thể trước đó có thể kháng lại tất cả các yếu tố mang tính dị ứng.
“Tuy nhiên, điểm đặc biệt của phương pháp này là khi được đưa vào các huyệt, chỉ Catgut sẽ có thời gian để tiêu hết, thường trong khoảng từ 2-3 tuần. Sau đó, người bệnh sẽ đi để cấy lại cho tới bao giờ cơ thể hình thành được một kháng thể mang tính bền vững thì dừng”, bác sĩ Bình lưu ý.
Cấy chỉ được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh. Ảnh: QQ. |
Những bệnh có thể điều chỉ bằng cấy chỉ
Theo bác sĩ Bình, cấy chỉ không chỉ dừng lại ở việc chữa các chứng viêm mũi dị ứng thông thường mà còn có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác như tự kỷ, hen suyễn, liệt người, đau xương khớp và các bệnh về viêm mũi, viêm xoang, cận thị hay rối loạn tiền đình…
Mỗi lần điều trị, người bệnh sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 15-30 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế có uy tín với quy trình đảm bảo vô khuẩn tốt để tránh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, sau khi cấy chỉ, người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 10-15 phút cho ổn định, sau đó mới tiếp tục đi lại sinh hoạt bình thường. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh các hoạt động mạnh và kiêng ăn những thực phẩm có tính tanh như tôm, mực, cua, cá hay các loại đồ ăn nếp.