Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Cây đa đổ chết người, ai bồi thường cho nạn nhân?

Theo luật sư, nạn nhân sẽ được bồi thường nếu đơn vị quản lý, chăm sóc cây đa thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý hay bảo vệ cây khi có nguy cơ đổ gãy.

Sáng 21/9, một người phụ nữ tử vong trên đường đi lấy hàng ở đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi). Nguyên nhân được xác định là một cây đa hơn 200 tuổi đã bật gốc, đổ trúng người nạn nhân.

Trong trường hợp này, ai sẽ chịu trách nhiệm và nạn nhân sẽ được bồi thường ra sao?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội

Sự việc trên rất thương tâm, do đó, việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm là cấp bách và cần thiết. Việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cây đa đổ gây thiệt hại tính mạng cho người đi đường không phải vấn đề quá khó hay bế tắc vì bất kì cây xanh nào cũng có chủ sở hữu hoặc người quản lý, chăm sóc.

Theo quy định tại Điều 604 Bộ Luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng.

Do đó, phải xem xét cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sở hữu hoặc có trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây đa trên có thực hiện các biện pháp như chặt, tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ cao, cây bị sâu ăn, thối rễ mà không được chăm sóc, hoặc chặt bỏ khi nhận thấy nguy cơ đổ gãy, gây mất an toàn cho người đi đường... không. Nếu không, đơn vị, cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, hành vi và mức độ của vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây xanh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự.

Còn trong trường hợp xác định cá nhân, đơn vị, cơ quan sở hữu, quản lý cây đa đã thực hiện các biện pháp khắc phục một cách cần thiết và phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, nạn nhân sẽ được bồi thường nếu cơ quan điều tra xác định đơn vị quản lý cây đa thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, theo dõi, xử lý cây, còn nếu vụ việc bắt nguồn từ lỗi do nạn nhân gây ra hoặc do sự kiện bất kháng thì người gây thiệt hại hoặc bên được giao quản lý tài sản không phải bồi thường.

Vụ việc trên đặt ra trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền địa phương trong việc cập nhật thông tin tình hình thời tiết và cảnh báo cho người dân những khu vực nguy hiểm nhằm bảo vệ an toàn tính mạng.

Cây đa hơn 200 tuổi đổ, một tiểu thương thiệt mạng

Cây đa hơn 200 tuổi trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) bật gốc, đè chết một tiểu thương.

Hải Nam

Bạn có thể quan tâm