Trước khi từ chức, CEO Jan Singer có 2 năm làm việc cho Victoria’s Secret. Đó là 2 năm đầy sóng gió, khi phong trào #MeToo bùng lên ở Mỹ trong khi ngành thời trang có những bước chuyển hướng lớn.
Victoria’s Secret bị cho là một trong những hãng thời trang "gan lì" nhất khi vẫn theo đuổi chỉ hình tượng phụ nữ thon thả, thân hình "chuẩn mực" và còn bị cho là đi ngược lại phong trào #MeToo.
Theo Bloomberg, Singer từng làm việc cho các hãng lớn như Spanx và Nike. Bà được mời về Victoria's Secret nhằm tạo động lực mới cho hãng, với phương hướng phát triển theo xu hướng thời trang nhanh, nội y giá rẻ.
CEO Jan Singer của Victoria’s Secret từ chức, khép lại một tuần sóng gió của hãng nội y. Ảnh: The Business Journals. |
Việc từ chức của CEO diễn ra sau một tuần đầy sóng gió với thương hiệu Victoria’s Secret. Sau show nội y khá thành công, tưởng như Victoria’s Secret sẽ được đà tăng doanh số nhưng thực tế là hãng vấp phải nhiều tranh cãi.
Tuần trước, giám đốc tiếp thị Ed Razek vướng vạ miệng trên tạp chí Vogue khi tuyên bố không thích các người mẫu ngoại cỡ và chuyển giới diễn cho hãng này.
Điều này gián tiếp khẳng định triết lý lâu nay của Victoria’s Secret: chỉ những phụ nữ gầy gò cỡ 0 như các thiên thần mới được coi là quyến rũ. Câu nói của Razek khiến Victoria’s Secret bị các người mẫu ngoại cỡ và chuyển giới kêu gọi tẩy chay.
Sau đêm diễn hào nhoáng, hãng nội y bị chỉ trích vì lựa chọn người mẫu kém đa dạng. Ảnh: NY Daily News. |
Thêm vào đó, Victoria’s Secret cũng đang vấp phải sự cạnh tranh từ những nhãn hàng nội y tôn trọng sự đa dạng hơn. Đó là Aerie và Rihanna’s Savage x Fenty. Theo CNBC, cổ phiếu của L Brands, công ty mẹ của Victoria’s Secret’s, đã giảm 38% trong năm 2018.
Razek đã xin lỗi vì phát ngôn trên nhưng vẫn không ngăn được sự giận dữ từ các người mẫu và khách hàng. Nhiều người cho rằng phát ngôn của ông đã vạch trần bản chất của hãng nội y: họ chẳng quan tâm gì đến nhu cầu của những phụ nữ bình thường, vốn không đẹp hoàn hảo như các thiên thần.