Ông Étienne-Émile Baulieu là "cha đẻ" của thuốc phá thai. Ảnh: New York Times. |
"Cha đẻ" của thuốc phá thai là bác sĩ Étienne-Émile Baulieu (96 tuổi) - nhà nội tiết học và hóa sinh người Pháp. 50 năm trước, ông nảy ra ý tưởng làm ra thuốc phá thai để thay đổi việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ tránh phẫu thuật, cho phép họ thực hiện quyết định phá thai một cách kín đáo.
Trong một cuốn sách viết năm 1990, ông Baulieu hy vọng thế kỷ 21 sẽ xuất hiện một chuyện ngược đời là viên thuốc phá thai có thể loại bỏ vấn đề phá thai.
Tuy nhiên, viễn cảnh mà bác sĩ sinh năm 1926 mong muốn vẫn quá xa vời, đặc biệt tại Mỹ. Việc phá thai không chỉ gây tranh cãi gay gắt kể từ khi thuốc phá thai được chấp thuận ở Mỹ vào năm 2000 mà phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2022 về việc chấm dứt quyền phá thai cũng khiến người Mỹ chia rẽ với nhiều luồng ý kiến đối lập.
Ảnh chụp bác sĩ Baulieu vào năm 1984, trên tay ông là thuốc phá thai. Ảnh: Arnaud Borrel/Gamma-Rapho. |
Động lực làm ra thuốc phá thai
Hành trình chế tạo thuốc phá thai của bác sĩ Baulieu bắt đầu vào năm 1961 với lời mời từ Gregory Pincus, người có công trong việc phát minh thuốc tránh thai. Ông đã đề nghị bác sĩ Baulieu đến Puerto Rico để quan sát các thử nghiệm lâm sàng về thuốc tránh thai.
Trở lại Paris, ông Baulieu từ chối lời đề nghị trở thành trưởng phòng nghiên cứu tại công ty dược phẩm Roussel-Uclaf, chỉ làm cố vấn bán thời gian. Được sự cho phép từ công ty, ông sử dụng một số phòng thí nghiệm để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình. Khi đó, ông bắt đầu nghĩ đến những tiến bộ tiềm năng trong y học sinh sản.
Trước đây, trong thời gian làm bác sĩ nội trú, Baulieu biết một số phụ nữ tìm cách bỏ thai bằng cách cắm que vào âm đạo để gây sảy thai, sau đó sẽ đến bệnh viện. Hồi đó, ông bị sốc khi một số bác sĩ chỉ định phẫu thuật phá thai nhưng không gây mê để "dạy cho cô ấy một bài học nhớ đời".
Một lần, khi ghé thăm Ấn Độ vào năm 1970 với nhóm cộng sự, bác sĩ Baulieu bắt gặp một phụ nữ ăn xin trên cầu ở Kolkata. Người phụ nữ bế trên tay người con đã chết. Bà còn dẫn theo 3 đứa con khác đi cùng.
Hình ảnh về người phụ nữ ăn xin cùng 4 đứa con ở Kolkata năm đó đã thôi thúc bác sĩ Baulieu làm việc và ông bắt đầu nảy ra ý tưởng về loại thuốc để "không mang thai", có liên quan một số thủ thuật sinh học.
Nội tiết tố progesterone đóng vai trò then chốt trong thai kỳ vì nó giúp tử cung tiếp nhận và giữ phôi thai. Do đó, bác sĩ Baulieu muốn tạo ra một loại thuốc chống progesterone.
Khi thí nghiệm trên chuột lang, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Baulieu xác định được các phân tử thụ thể mà progesterone kết nối để truyền tải thông điệp. Ông Baulieu đề nghị tạo ra loại progesterone giả, gọi là antiprogesterone, để nó không thể truyền tải thông điệp cho tử cung.
Cổ đông lớn nhất của công ty Roussel-Uclaf - nơi bác sĩ Baulieu đang làm nghiên cứu - là một người theo chủ nghĩa bài trừ phá thai. Để tránh tranh cãi với cổ đông trong các cuộc họp, bác sĩ Baulieu đã đề cập đến một đặc tính không liên quan phá thai của antiprogesterone. Cụ thể, ông nói rằng về mặt lý thuyết, antiprogesterone có thể điều trị bỏng, các vết thương, bệnh tăng nhãn áp và các loại bệnh khác.
Đến năm 1980, ông Georges Teutsch, nhà hóa học của Roussel-Uclaf, đã tổng hợp một hợp chất giống như bác sĩ Baulieu đã hình dung. Hợp chất được đăng ký và lấy tên là RU-486.
Sau khi các nhà khoa học thử nghiệm RU-486 trên chuột và khỉ, ông Baulieu thúc giục Roussel-Uclaf cho phép thử nghiệm trên người. Ông đã nhờ người bạn là bác sĩ sản khoa Walter Herrmann ở Thụy Sĩ tiến hành cùng.
Năm 1982, thử nghiệm cho thấy Ru-486 đã có hiệu quả phá thai sớm ở 9 trên 11 bệnh nhân. Những thử nghiệm sau đó cũng cho thấy ứng dụng RU-486 với prostaglandin - một loại thuốc gây co thắt - cũng mang lại hiệu quả khoảng 95%.
Bị phản đối gay gắt
Nghiên cứu của bác sĩ Baulieu và cộng sự lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Những người phản đối phá thai đã tấn công Roussel-Uclaf. Thậm chí, một số người còn so sánh Roussel-Uclaf với I.G. Farben - công ty tạo ra khí xyanua - và nói rằng nghiên cứu của ông Baulie đang biến tử cung thành lò hỏa táng.
Cuộc chiến chống lại sản phẩm thuốc phá thai của bác sĩ Baulieu lan đến tận Mỹ. Tại Washington, nhiều người phát động chiến dịch chống phá thai và kéo đến đại sứ quán Pháp tại Mỹ. Họ gửi những bức thư đe dọa tẩy chay các sản phẩm của Pháp nếu Pháp chấp nhận loại thuốc này. Công ty Roussel-Uclaf đã gần như rút đơn đăng ký sản phẩm nhưng đến năm 1988, chính quyền Pháp lại ký phê duyệt RU-486.
Dù thuốc phá thai được chính quyền phê duyệt, làn sóng phản đối vẫn rất mạnh mẽ. Roussel-Uclaf bị gây sức ép đến mức một tháng sau khi Pháp phê duyệt, công ty đã phải ngừng đưa RU-486 ra thị trường. Ông Edouard Sakiz, Chủ tịch công ty, nói với bác sĩ Baulieu rằng ông đã phải rút lui vì lo ngại bạo lực.
Dù vậy, ông Sakiz vẫn cho phép bác sĩ Baulieu tự do phát biểu. Nhờ sự ủng hộ của chủ tịch, cha đẻ của thuốc phá thai đã bay đến Brazil để tham dự Hội nghị Phụ khoa và Sản khoa Thế giới - nơi các bác sĩ và nhà nghiên cứu chỉ trích việc Roussel-Uclaf thu hồi RU-486.
Ngay sau đó, ông Claude Évin, Bộ trưởng Y tế của Pháp thời đó, đã gọi RU-486 là tài sản đạo đức dành cho phụ nữ. Ông Évin có cổ phần ở Roussel-Uclaf nên đã gây áp lực, buộc công ty phải tiếp tục bán thuốc phá thai.
"Tôi không thể cho phép những cuộc tranh cãi về phá thai khiến phụ nữ mất đi một sản phẩm đại diện cho sự tiến bộ của y tế", ông nhấn mạnh.
Ở tuổi 96, bác sĩ Baulieu vẫn làm việc trong phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Kremlin-Bicêtre (Paris, Pháp). Ảnh: New York Times. |
Bị đe dọa và được cảm ơn
Từ những năm 1980, bác sĩ Baulieu đã nhận được những bức thư hăm dọa, thù địch. Canada còn xuất hiện một tấm áp phích có hình ảnh của ông kèm theo dòng chữ "bị truy nã vì tội diệt chủng". Một người ở San Francisco (Mỹ) ví bác sĩ Baulieu giống Josef Mengele - bác sĩ ở trại tử thần của Đức Quốc xã.
Ở New Orleans, quả bom nhỏ đã phát nổ tại hội nghị có sự tham gia của ông Baulieu. May mắn, ông đến muộn, không gặp nguy hiểm về tính mạng.
Bên cạnh những lời đe dọa, bác sĩ Baulieu nhận được thư cảm ơn từ Mỹ và cả những lời cầu xin cung cấp thuốc phá thai. Tuy nhiên, Roussel-Uclaf không dám tìm kiếm sự chấp thuận từ Mỹ vì sợ những người phản đối phá thai sẽ tẩy chay các sản phẩm khác.
Năm 1993, một tổ chức về quyền phá thai đã thành lập phòng thí nghiệm ở ngoại ô New York để bí mật sản xuất thuốc phá thai. Đến năm 1994, khi được chính quyền Tổng thống Bill Clinton ủng hộ thuốc phá thai, Roussel-Uclaf mới trao quyền cho một tổ chức phi lợi nhuận để sản xuất và phân phối thuốc.
Đến nay, phòng thí nghiệm của bác sĩ Baulieu vẫn nhộn nhịp với loạt thí nghiệm khoa học mới. Ông đã có những khám phá về các steroid hormone khác nhau, một số được tổng hợp trong não nên bác sĩ Baulieu gọi là "neurosteroids".
Hiện nay, nhóm của ông nghiên cứu về bệnh Alzheimer và đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới để điều trị chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Ở tuổi 96, bác sĩ Étienne-Émile Baulieu vẫn minh mẫn và tràn đầy năng lượng. Ông cho biết ông thất vọng khi Mỹ đưa ra lệnh cấm phá thai, nhưng ông cũng vui mừng vì thuốc phá thai do ông làm ra được đông đảo phụ nữ chấp nhận và ủng hộ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.