Kim Young Woo (47 tuổi), một nhân viên ngân hàng có 2 con đang trong độ tuổi teen, đã đau đầu suy nghĩ trong vài tháng. Gia đình Kim thuê nhà trong một khu phố sang trọng ở phường Yeoksam, quận Gangnam - khu nhà giàu nổi tiếng ở thủ đô Seoul.
Song, nhiều khả năng nhà Kim sẽ phải chuyển đi, theo Korea Herald.
"Hợp đồng jeonse của tôi sẽ hết hạn vào tháng 12. Tôi phải tìm chỗ ở mới vì chủ nhà sẽ chuyển về căn hộ này", người đàn ông nói.
Khu Greater Gangnam gồm 3 quận nhà giàu: Gangnam, Seocho, Songpa. |
Jeonse là hình thức thuê, mướn nhà đặc thù. Người cho thuê sẽ nhận của người đi thuê toàn bộ số tiền thuê nhà trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 2 năm) làm tiền cọc, còn người đi thuê sẽ không phải trả thêm tiền hàng tháng khi vào ở. Đến khi hết hạn hợp đồng, chủ nhà sẽ trả lại phần tiền đặt cọc cho người thuê nhà khi họ dọn đi nơi khác.
Trong 2 năm qua, tiền đặt cọc jeonse cho một căn hộ rộng 109 m2 ở khu phố nhà Kim ở đã tăng hơn 30%, lên ít nhất 1,3 tỷ won (1,1 triệu USD).
“Vấn đề không chỉ là giá tăng vọt mà còn là sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều người muốn sống ở khu này dù giá tăng chóng mặt. Việc mua đứt một căn hộ trị giá ít nhất 3 tỷ won nằm ngoài tầm với", Kim nói.
Trung tâm của mọi thứ tốt đẹp nhất
Nếu muốn ở lại Gangnam, thuê nhà là lựa chọn duy nhất của Kim. Trên thực tế, người cha có thể mua được nhà tử tế ở những nơi khác trong thành phố với số tiền cọc jeonse.
Tuy nhiên, gia đình muốn tiếp tục sống ở khu Greater Gangnam để duy trì chất lượng cuộc sống. Không riêng nhà Kim, nhiều cha mẹ có niềm tin sâu sắc rằng việc ở trong khu thượng lưu giúp tiếp cận tốt hơn tới các trường học hàng đầu, hệ thống giáo dục tư nhân ở Seoul, cho tới hạ tầng giao thông, bệnh viện chất lượng cao.
Siêu xe chạy trên phố Apgujeong Rodeo, quận Gangnam. |
Khu Greater Gangnam bao gồm 3 quận: Gangnam, Seocho, Songpa. Trong nhiều thập kỷ, chúng là biểu tượng cho sự phát triển lẫn hào nhoáng của Seoul.
Theo Báo cáo tài chính của Hàn Quốc năm 2021 do Tập đoàn KB thực hiện, khoảng 82.000 cá nhân có giá trị tài sản lớn hơn 1 tỷ won sống ở khu Gangnam, chiếm gần một nửa trong số 178.600 cá nhân siêu giàu ở Seoul.
Sức mua sắm, tiêu dùng ở khu thượng lưu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Một phần ba số ôtô nước ngoài nhập khẩu về Seoul - bao gồm những hãng đắt tiền nhất như Bentley, Lamborghini, Maserati, Porsche và Rolls-Royce - được đăng ký thông tin tại Greater Gangnam trong 3 năm qua, theo dữ liệu từ Hiệp hội nhập khẩu và phân phối xe hơi Hàn Quốc.
5 trong số 10 cửa hàng bách hóa có doanh thu cao nhất ở xứ kim chi tọa lạc trong khu vực này, chiếm 20% trong số 28.000 tỷ won doanh thu từ tất cả cửa hàng bách hóa trên toàn quốc.
"Đó là trung tâm của mọi thứ tốt đẹp, tiên tiến nhất. Các bậc phụ huynh muốn con cái của họ tận hưởng những lợi thế đó bằng mọi giá", quản lý một đại lý bất động sản ở phường Yeoksam cho biết.
Khu vực Greater Gangnam là nơi quy tụ những cửa hàng xa xỉ, trung tâm công nghệ lớn cùng hàng loạt hàng quán, trung tâm thẩm mỹ, lò luyện thi đại học khác. |
Song, nếu không có đòn bẩy tài chính, rất ít gia đình có thể mua hoặc thuê căn hộ ở Greater Gangnam. Họ thường phải dốc hết toàn bộ tiền hoặc vay mượn nếu muốn tiến lên nấc thang cao hơn trong xã hội.
"Sống trong khu Gangnam, cư dân dần quen thuộc, giúp họ thấy thoải mái và dễ tiếp cận với tầng lớp thượng lưu", Keum Kwak, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.
Điều đáng buồn là cánh cửa đến Gangnam và khu vực xung quanh ngày càng đóng lại, đặc biệt là đối với những người đang tìm kiếm hợp đồng jeonse.
Theo dữ liệu từ KB Real Estate Liiv, tiền cọc jeonse ở khu vực Greater Gangnam đã tăng trung bình 40-45% từ tháng 1/2020 đến tháng 10 năm nay. Trong khi đó, giá nhà ở khu vực này tăng 25-30% trong cùng giai đoạn.
Các nhà chức trách tài chính của Hàn Quốc đã tăng cường siết nợ jeonse, cùng với siết chặt nhà ở tại khu Greater Gangnam, bằng tuyên bố chống lại các giao dịch đầu cơ nhà ở nhằm hạn chế tình trạng nợ hộ gia đình.
Giá nhà lẫn thuê nhà tại khu phố nhà giàu của thủ đô Seoul vẫn trên đà tăng phi mã. |
Đắt đỏ nhưng đáng
Giá thuê tăng cộng với tiêu chí cho vay khó nhằn không chỉ gây lo lắng cho các gia đình mà còn tác động đến các hộ độc thân ở khu Greater Gangnam.
Ngoài là nơi kinh doanh sầm uất, khu này còn tập trung nhiều trung tâm công nghệ hàng đầu, thu hút những tài năng khắp Hàn Quốc đến làm việc.
Tháng 2 năm ngoái, Kim - một phụ nữ độc thân 34 tuổi - chuyển từ Incheon đến sống ở Greater Gangnam vì không muốn tốn 2,5 tiếng đi lại mỗi ngày.
Cô ký hợp đồng thuê jeonse với mức giá 100 triệu won trong 2 năm ở quận Songpa. Đây được coi là mức giá hời, với công ty tài trợ một phần, giảm bớt gánh nặng cho Kim.
Trong hơn một năm rưỡi, số tiền thuê nhà ở các tòa nhà gần đó đã tăng gấp 3 lần, theo Kim. Nếu chủ nhà không gia hạn hợp đồng, Kim sẽ gặp rắc rối tài chính vì buộc phải tìm chỗ khác với chi phí đắt đỏ hơn.
Cô cũng cho rằng việc chuyển chỗ khác vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
“Tôi thực sự tận hưởng điều kiện sống tốt, nhiều tiện ích xung quanh. Nếu chuyển qua trả tiền thuê nhà theo tháng, tôi nghĩ mình phải chi ít nhất 1/3 thu nhập hàng tháng để ở lại khu Gangnam”, Kim cho hay.
Nhiều bậc phụ huynh coi thuê nhà ở Gangnam, cho con đi học ở trường thuộc khu thượng lưu là mục đích sống. |
"Con tôi phải ở Gangnam"
Hiện tượng "Bất động sản ở Gangnam không bao giờ chết" cũng phản ánh mong muốn của cha mẹ về một môi trường lý tưởng cho con cái họ.
Tính đến năm 2020, Greater Gangnam là nơi có 1/3 trong số 14.000 cơ sở, trung tâm dạy thêm ở Seoul giúp học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, theo dữ liệu từ Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc.
Theo ước tính vào năm 2019 từ văn phòng quận, các bậc cha mẹ ở Gangnam chi trung bình 1,2 triệu won mỗi tháng cho tiền học thêm bên ngoài.
Giáo sư Kwak phân tích thêm những người lớn lên bên ngoài Greater Gangnam có xu hướng mơ mộng về cuộc sống ở khu nhà giàu này.
"Người lớn sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để nuôi dạy con cái ở Gangnam, với niềm tin những đứa trẻ sẽ lớn lên trong môi trường ưu tú, hình thành các mối quan hệ kéo dài đến tuổi trưởng thành trong cùng một nhóm nhiều đặc quyền".
"Tôi không đến từ Gangnam, vì vậy các con tôi phải đến từ Gangnam" trở thành suy nghĩ mặc định trong đầu.
"Thực tế, việc sống ở nơi phát triển nhất thủ đô mang lại cho họ sự nhẹ nhõm rằng 'tôi đang đi đúng hướng và nuôi dạy con đúng đắn'. Nếu phải rời khỏi Gangnam, họ sợ cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả", Kwah đúc kết.