Khoa cử là con đường rất quan trọng để các triều đại phong kiến tuyển chọn người thực tài phục vụ đất nước. Đó cũng là con đường gần như duy nhất để sinh đồ thỏa mãn ước nguyện giấc mơ quan trường.
Để tuyển chọn đúng nhân tài, người Việt xưa cố gắng tổ chức những kỳ thi chặt chẽ, hạn chế sai sót, gian lận.
Những quy định nghiêm ngặt
Dưới thời phong kiến, khoa cử có ba kỳ thi quan trọng nhất là thi Hương, Hội, Đình. Tuy nhiên, nho sinh muốn được dự kỳ thi đầu tiên (Hương), phải trải qua kỳ thi sát hạch trước đó. Từ thời Thái tổ Lê Lợi, lệ thi sát hạch đã được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép.
Ngay từ năm 1462, vua Lê Thánh Tông đề ra lệ “Bảo kết hương thí”. Theo đó, khoảng tháng 8 trước kỳ thi năm sau, các sĩ tử ứng thí phải đến nhà giám hay đạo sở tại, khai rõ lý lịch, đợi thi Hương. Nếu thi đỗ, danh sách tiếp tục được gửi đến Viện Lễ nghi, để trung tuần tháng giêng năm sau thi Hội.
Quy định này tiếp tục được duy trì đến thời Nguyễn. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, trong khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn tổ chức năm 1807, vua Gia Long định lệ: “Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi”.
Những quy định này tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện dưới thời các vị vua triều Nguyễn tiếp theo.
Khi thi, sĩ tử luôn được giám sát chặt chẽ bởi các “khảo quan”. Ảnh tái hiện cảnh sĩ tử đi thi ngày xưa. Nguồn: Quân Đội Nhân Dân. |
Giám khảo là những người có vai trò quyết định sự thành bại của kỳ thi nên được tuyển chọn rất nghiêm ngặt. Giám khảo thường được chia làm nội trường và ngoại trường.
Nội trường gồm có 4 đến 16 quan sơ khảo, 4 đến 6 người phúc khảo, cùng 2 giám khảo. Ngoại trường gồm một quan chủ khảo (Đề điệu), một phó chủ khảo và hai phân khảo. Tất cả người này đều có phẩm hàm từ tam phẩm tới ngũ phẩm.
Giám sát cả quan trường lẫn thí sinh dự thi có ban giám sát trong trường thi và ngoài trường thi. Tất cả đều được tổ chức quy củ, chặt chẽ.
Ngoài ra, hai quan đề tuyến nội và đề tuyến ngoại chuyên phụ trách việc rọc phách, ráp phách, kê khai danh sách những người thi, người đỗ, yết bảng… Giúp việc cho trường thi còn có hàng chục thư ký chuyên lo ghi chép, yết bảng.
Để ngăn ngừa những chuyện tư túi, gian lận, ngay từ năm 1448, Đề điệu Quốc Tử Giám Lê Khắc Phục đã xin triều đình bắt các khảo quan phải uống máu ăn thề trước mỗi kỳ thi.
Quan sơ khảo, phúc khảo kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm thi ở tỉnh khác. Người có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy “hồi tị” - xin cáo không đi chấm trường, nếu không sẽ bị nghiêm trị. Các Lại phòng, Thể sát do quan địa phương cử, cũng chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm.
Những người liên quan đến thi cử đều không được ra khỏi trường thi cho đến khi kết thúc.
Trường thi quy củ, chấm thi chặt chẽ
Để ngăn ngừa nguy cơ giám khảo sửa bài cho học trò, các quan không được mang giấy tờ có chữ và mực đen vào trường thi. Nội, ngoại trường nếu không có việc quan trọng không được gặp nhau.
Trường thi chia làm hai phần, phần ngoài dành cho thí sinh, phần trong cho quan trường. Phần ngoài lại chia ra làm 4 hay 8 vi (nơi dành cho sĩ tử cắm lều). Chỗ quan trường họp để ra đầu bài và là chỗ thí sinh đến xin dấu Nhật trung và nộp quyển là nhà Thập đạo.
Phần trong cũng chia ra làm hai. Trong cùng là nội trường, nơi dành cho quan sơ khảo, phúc khảo và giám khảo làm việc. Ngoại trường tiếp giáp khu thí sinh là chỗ ở và làm việc của các ông chánh, phó chủ khảo và phân khảo. Giữa nội và ngoại trường là nơi dành cho quan đề tuyển, những khảo quan khác không được đến nơi này.
Mỗi khi có chuyện bất đồng ý kiến, các quan nội trường thảo luận tại Giám viện xây chính giữa nội trường, các quan ngoại trường thảo luận tại Thí viện, chính giữa ngoại trường.
Quyển thi được làm cùng một quy cách, đóng dấu ấn triện của quan Tổng đốc rồi được gửi vào trường. Quan đề tuyển đóng dấu tên vào trang đầu và dấu Giáp phùng vào giữa trang 2 và 3, sau đó trộn đều, chia làm 4 hay 8 phần cho 4 hay 8 vi. Lại phòng ghi tên thí sinh mỗi vi vào sổ rồi làm bảng yết danh ở cửa vi.
Bia tiến sĩ, nơi khắc tên những người đỗ đại khoa được vua Lê Thánh Tông cho lập năm 1484. Ảnh: T.T. |
Để tránh trao đổi bài, triều đình quy định người cùng một nhà không được xếp cùng một vi. Quyển được giao cho ngoại trường để phát cho học trò hôm thi.
Thí sinh tuyệt đối không được mang tài liệu vào trường thi. Ngay từ nửa đêm hôm trước ngày thi chính thức, các quan trường thi mặc áo đại triều ngồi lên ghế tréo trước cổng để chứng kiến lễ điểm danh, xem lính Thể sát khám xét cẩn thận, không cho thí sinh mang mang tài liệu vào trường thi.
Trước hôm thi một ngày, treo bảng yết danh và trường quy từ sáng sớm ở mỗi cửa vi. Nho sinh làm đến giữa trưa phải đến nhà Thập đạo xin đóng dấu Nhật trung để tránh đổi quyển thi khác. Bài làm xong cũng nộp ở nhà Thập đạo, có lính đóng dấu vào cuối quyển chứng nhận trước mặt Đề tuyển, rồi bỏ vào hòm đựng quyển. Những quyển nộp sau khi khoá hòm gọi là “ngoại hàm”.
Quyển thi được giao cho đề tuyển rọc phách rồi đưa vào nội trường. Để tránh việc nhận ra nét chữ của thí sinh, sau khi thu quyển, Đằng lục chép lại bài của thí sinh bằng son để giám khảo chấm. Chép xong, đọc đối chiếu với bản mực đen rồi tất cả người sao chép cùng ký tên, ghi chức tước vào trang đầu cả bản chính lẫn bản sao trước khi giao trả quan đề điệu.
Quan sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng giám khảo duyệt lại lần nữa bằng mầu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ họ tên, chức tước, số điểm rồi ký tên lên mặt quyển.
Nội trường chấm xong chuyển qua đề tuyển đưa ra ngoại trường. Các ông chánh, phó chủ khảo chấm lại những bài được nội trường lấy đỗ. Phân khảo đọc những quyển bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên chủ khảo. Ngoại trường chấm bằng son tàu màu đỏ tươi. Khi chấm xong, xếp đặt cao thấp rồi mới gửi cho đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, đem yết.
Sau mỗi kỳ thi, chủ khảo và giám sát mỗi người phải làm một bản phúc trình gửi về kinh, nếu không sẽ bị phạt. Tất cả quyển thi đều được gửi về kinh duyệt lại. Triều đình căn cứ quyền thi, xét lại lần nữa để định thứ bậc. Có thể lấy thêm người người trúng cách, đánh hỏng người đã đỗ, thay đổi thứ bậc sau khi kiểm duyệt.
Kỳ thi nho học đầu tiên của nước ta được tổ chức vào năm 1075 (dưới thời vua Lý Nhân Tông). Kỳ thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 (thời vua Khải Định). Trong gần 1.000 năm đó, các triều đại phong kiến Việt Nam tổ chức được tất cả 183 (có tài liệu ghi 184) kỳ thi, có 2.898 người đã được lấy đỗ tiến sĩ.
Từng có nhiều đại quan trong sử Việt bị kết án do gian lận khoa cử. Nặng nhất là trường hợp Phó chủ khảo trường thi Thanh Hóa Ngô Sách Tuân bị kết án tử hình do gian lận khoa cử năm 1694. Một số trường hợp còn lại bị kết nhiều bản án nặng nhẹ khác nhau.