Tôi nghe nói thầy thuốc có thể phát hiện một số bệnh qua mùi hơi thở, cơ thể. Các bác sĩ có thể làm rõ cho tôi hiểu được không?
Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Các thầy thuốc Đông y, Tây y hiện nay thỉnh thoảng áp dụng phương pháp này bên cạnh các kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng (xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, dịch tiết, hình ảnh chụp chiếu) đã phần nào chẩn đoán sơ bộ bệnh lý, nhất là bệnh lý tiêu hóa hay gan mật.
- Hơi thở có mùi acetone hoặc trái cây: Người bệnh tiểu đường, đặc biệt là type I có biến chứng DKA, cơ thể thiếu insulin nên không thể chuyển hóa đường thành năng lượng và phải phân hủy các acid béo để tạo năng lượng.
Sản phẩm phân hủy của các chất béo này được gọi là ketone và hình thành xeton trong máu. Acetone (thành phần chính của xeton) thường được biết đến ở các chất tẩy sơn móng tay sẽ tạo nên hơi thở của người mắc bệnh mùi như acetone hoặc mùi trái cây.
Khi tiếp xúc, bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện ra mùi đặc trưng này khi người bệnh mới bước vào phòng. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến cáo nếu phát hiện hơi thở có mùi trái cây/acetone cùng với các triệu chứng như mệt mỏi, khô miệng, khó thở hoặc đau bụng nên đến gặp bác sĩ sớm.
- Nước tiểu có mùi siro ngọt: Ở người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa protein, mùi nước tiểu hoặc mồ hôi, ráy tai có mùi đặc trưng như mùi siro.
Mùi này nghe có vẻ ngọt ngào, dễ chịu nhưng thực chất căn bệnh có thể gây tử vong đối với trẻ sơ sinh mắc phải. Nếu người bệnh ở độ tuổi lớn sẽ có triệu chứng như giảm cân, tiêu chảy, ảo giác không kiểm soát được hành vi.
- Cơ thể phát ra mùi tỏi: Đây là dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thạch tín. Các triệu chứng ngộ độc thạch tín đặc trưng như nôn, đau bụng, tiêu chảy ra máu và cuối cùng là tử vong.
Một triệu chứng lạ mà các bác sĩ ghi nhận được ở các bệnh nhân ngộ độc thạch tín đó là mùi tỏi tỏa ra từ cơ thể. Các nhà khoa học cũng tình cờ phát hiện rằng chính tỏi có thể chống lại các tác động ngộ độc thạch tín.
- Đường tiết niệu thường có mùi mốc: Trẻ mắc bệnh PKU - rối loạn gây tích tụ phenylalanin, một axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp nhưng có sẵn trong thức ăn.
Trẻ mắc PKU hiếm khi biểu hiện triệu chứng ngay. Các triệu chứng thường gặp như co giật, buồn nôn, nôn, ban đỏ giống như eczema, da và tóc nhạt màu hơn so với những người trong gia đình, hành vi hung hăng tự gây thương tích, tăng động.
Đôi khi, trẻ có các triệu chứng tâm thần. Trẻ mắc bệnh này thường cơ thể có mùi hôi như chuột và nước tiểu có mùi mốc đặc trưng do xuất hiện sản phẩm phụ của phenylalanin trong nước tiểu và mồ hôi.
- Mùi như bánh mì mới nướng: Biểu hiện ở người bị sốt thương hàn. Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra, triệu chứng thường gặp như sốt cao, mệt mỏi, đau bụng, táo bón và phát ban.
Một bài báo trên tạp chí Y khoa xuất bản năm 1976 cho thấy bệnh nhân thương hàn thường phát ra mùi rất giống với mùi bánh mì mới nướng. Mặc dù mùi này có vẻ dễ chịu, tác hại của bệnh rất nghiêm trọng. Ngoài bệnh thương hàn, các bệnh có thể phòng ngừa khác liên quan đến mùi như bệnh bạch hầu có mùi ngọt.
- Mùi tanh: Là dấu hiệu rõ ràng của hội chứng mùi cá hoặc Trimethylaminuria. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rối loạn này là do cơ thể bài tiết chất Trimethylaminuria quá mức.
Hội chứng có tính di truyền, các triệu chứng có thể được cảm thấy từ khi mới sinh ra. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tâm lý và xã hội.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.