Khác với quan niệm truyền thống về sự nghiệp và thành công, ngày càng người trẻ sẵn sàng từ bỏ công việc nhàm chán, áp lực để tìm kiếm sự tự do và trải nghiệm mới. Ảnh minh họa: Carlos Garcia Rawlins. |
Gần đây, một bài đăng lan truyền trên Weibo chia sẻ về quyết định nghỉ việc ngay sau khi được tăng lương, đã thu hút hơn 2 triệu lượt đọc và hàng trăm sự đồng cảm từ người trẻ.
Người dùng 28 tuổi cho biết họ nhận ra công việc không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời ngắn ngủi này. Thay vào đó, họ muốn dành thời gian để học tiếng Anh, rèn luyện sức khỏe, trau dồi kỹ năng nấu nướng và du lịch khám phá những cảnh đẹp chưa từng có cơ hội chiêm ngưỡng.
Đây cũng là xu hướng "naked resignation" đang phổ biến tại xứ tỷ dân. Thuật ngữ chỉ hành động nghỉ việc không do dự, không cần kế hoạch dự phòng để tận hưởng thời gian "gap year" (tạm dịch: "năm ngắt quãng"), theo Business Insider.
Gap year
Cuộc sống công sở với lịch trình "hai điểm, một đường" nhàm chán đã không còn là niềm mơ ước của Gen Z Trung Quốc. Công việc chiếm trọn thời gian và sức lực, khiến họ cảm thấy bị mắc kẹt trong vòng quay đơn điệu giữa "hai điểm" nhà và công ty.
"Loud quitting", tức công khai chia sẻ quyết định nghỉ việc trên mạng xã hội, trở thành một cách để thể hiện sự tự do và khát khao trải nghiệm. Các video "loud quitting" lan truyền nhanh chóng, truyền cảm hứng cho những người khác dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Thoát khỏi công việc bận rộn, nghỉ ngơi là thú vui xa xỉ nhất của người trẻ. Ảnh minh họa: Gilles Sabrie/Bloomberg. |
Xu hướng này tương đồng với phong trào QuitTok ở phương Tây, nơi người trẻ chia sẻ những trải nghiệm nghỉ việc để theo đuổi đam mê và hạnh phúc cá nhân.
Không thể phủ nhận rằng thị trường việc làm tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên mới tốt nghiệp và những người mới bắt đầu sự nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 lên đến 14,9% vào tháng 12 năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác.
Sự suy thoái kinh tế gần đây khiến nhiều người trẻ suy nghĩ lại về sự nghiệp, họ bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa mới trong cuộc sống. Xu hướng "nằm yên" (lying flat) lan truyền trên mạng xã hội là một ví dụ điển hình cho sự vỡ mộng về công việc.
Đặc biệt, nhiều người lựa chọn gap year đến từ ngành công nghệ, một lĩnh vực nổi tiếng với văn hóa làm việc "996" khắc nghiệt, đòi hỏi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Áp lực công việc và môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều người cảm thấy kiệt sức và mất cân bằng trong cuộc sống.
Những 'kẻ lang thang'
Không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi, gap year còn là cơ hội để người trẻ khám phá bản thân, trải nghiệm những điều mới mẻ và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.
Thay vì những điểm đến du lịch truyền thống, giới trẻ Trung Quốc tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo và chân thực, hòa mình vào văn hóa địa phương.
"Họ muốn đi du lịch, học hỏi kỹ năng mới hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện trước khi cam kết với con đường sự nghiệp lâu dài. Đây có thể là khoảng nghỉ cần thiết, giúp người trẻ bước vào môi trường làm việc với tinh thần sảng khoái và có thêm động lực", Sally Maier-Yip, người sáng lập công ty tư vấn truyền thông 11K Consulting, cho biết.
Đối với người trẻ, gap year là cơ hội để phát triển bản thân và khám phá thế giới trước khi bắt đầu sự nghiệp. Ảnh minh họa: LuBar Camp. |
Tuy nhiên, xu hướng gap year cũng tạo nên những chia rẽ thế hệ tại Trung Quốc.
"Các thế hệ lớn tuổi ở Trung Quốc thường tỏ ra nghi ngờ về khái niệm gap year", Lim, nhà sáng lập và CEO của Cherry Blossoms Intercultural Branding, chia sẻ.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chỉ trích xu hướng này, cho rằng đây là khái niệm phương Tây không phù hợp với xã hội Trung Quốc.
Theo Lim, thế hệ đi trước xem gap year là một trở ngại cho sự thăng tiến trong sự nghiệp, trong khi Gen Z lại cởi mở hơn trong việc ưu tiên nhận thức bản thân và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
"Có một từ lóng phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc có thể tạm dịch là 'kẻ lang thang' trên đường phố", Lim cho biết thêm. Đây là thuật ngữ mà giới trẻ dùng để tự trào về việc không có kế hoạch cụ thể và sống một cuộc sống tự do.
"Cụm từ phản ánh thái độ thoải mái, nơi họ tự hào khi bước ra khỏi vòng xoáy hối hả truyền thống và đơn giản là tận hưởng cuộc sống", Lim giải thích.
Giới trẻ Trung Quốc tự gọi mình là "kẻ lang thang" để thể hiện sự tự hào về việc không chạy theo những mục tiêu truyền thống mà chỉ đơn giản là tận hưởng cuộc sống. Ảnh minh họa: LuBar Camp. |
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.