Năm 2021, sau khi trải qua quá trình đào tạo và rèn luyện nghiêm ngặt kéo dài 3 năm, Mạch Thị Thùy Khanh (sinh năm 1996) đã trở thành một trong những cơ phó tài năng của hãng hàng không Pacific Airlines khi mới chỉ 25 tuổi. Đến nay, phi công trẻ đã tích lũy được gần 1.000 giờ bay trên dòng máy bay A320 Family.
Tháng 10/2023, cô nhận được học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ Đại học Andrews (Michigan, Mỹ). Bên cạnh đó, Thùy Khanh, hay được biết đến với biệt danh Mạch Khanh, còn là một nhà sáng tạo nội dung sở hữu hơn 427.000 lượt theo dõi trên các kênh mạng xã hội.
Tranh thủ ngày nghỉ trước khi khởi hành từ TP.HCM đến Huế, Mạch Khanh dành thời gian trò chuyện với Tri Thức - Znews, chia sẻ những câu chuyện thú vị về hành trình trở thành phi công và những quan điểm khi làm việc trong một ngành nghề có định kiến vốn do nam giới thống trị.
Một ngày làm việc điển hình với vai trò cơ phó của Mạch Khanh diễn ra như thế nào?
Không có ngày bay nào giống nhau cả. Tuy nhiên, tôi duy trì một số thói quen vào những ngày có chuyến bay.
Tôi thường dậy sớm trước giờ bay khoảng 3 tiếng. Sau khi ăn sáng và chuẩn bị tinh thần, tôi sẽ dành thời gian đọc tài liệu, kiểm tra các thông tin liên quan đến chuyến bay, trao đổi công việc với cơ trưởng và các đồng nghiệp khác.
Vật "bất ly thân" của Mạch Khanh khi đi làm là gì?
Vì tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, kem chống nắng là vật bất ly thân của tôi.
Trước khi đi làm, tôi thoa kem chống nắng dạng kem, sau đó dùng kem chống nắng dạng thỏi để dặm lại nhiều lần trong ngày. Tôi thường chọn loại có chỉ số SPF 50 để bảo vệ da tối ưu.
Những hiểu lầm về nghề phi công mà Mạch Khanh thường gặp?
Nhiều người nghĩ rằng phi công được chia thành hai nhóm riêng biệt, gồm phi công bay quốc nội và phi công bay quốc tế. Thực tế, chúng tôi được phân công bay tất cả chặng mà công ty khai thác cho dòng máy bay mà chúng tôi được cấp phép.
Một hiểu lầm phổ biến khác rằng cơ trưởng là người duy nhất lái máy bay. Thực tế, cơ trưởng và cơ phó làm việc như một nhóm, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an toàn và thành công của chuyến bay.
Cụ thể, tùy chặng bay, cơ trưởng và cơ phó sẽ chia nhau hai vai trò chính, gồm một người lái và một người quan sát kiêm liên lạc với đài không lưu.
Tuy nhiên, cơ trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động trên chuyến bay, từ lúc máy bay lăn bánh cho đến khi dừng đỗ. Họ là người đưa ra quyết định cuối cùng ở mọi tình huống, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp.
Với Mạch Khanh, điều yêu thích và ghét nhất khi làm phi công là gì?
Điều tôi yêu thích nhất chắc chắn là những đặc quyền mà ít ngành nghề nào có được. Đó là mức đãi ngộ hấp dẫn, cơ hội được khám phá nhiều vùng đất mới trên khắp thế giới và hơn hết là cơ hội kết giao với những mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống.
Vào những dịp lễ, Tết, tôi ít khi được ở bên ba mẹ và người thân. Thế nhưng, số ngày nghỉ của nghề phi công lại tương đối nhiều, giúp tôi bù đắp khoảng thời gian vắng mặt ở gia đình.
So với nhân viên văn phòng làm việc 8 tiếng/ngày, tức trung bình 160 tiếng/tháng, tôi chỉ làm việc khoảng 60 tiếng/tháng. Tính cả thời gian trước và sau chuyến bay, số giờ làm việc của tôi vẫn khoảng 100 tiếng/tháng, tương đương 15 ngày công.
Dù vậy, tôi vẫn có trăn trở về nghề nghiệp của mình. Một trong số đó là những thiệt thòi của phi công nữ khi có em bé. Tính chất công việc đòi hỏi họ phải nghỉ làm ngay khi biết tin mang thai, không thể làm việc tới tháng thứ 5 hay tháng thứ 7 như nhiều ngành nghề khác.
Sau khi sinh con, việc quay trở lại bầu trời cũng không hề dễ dàng. Các phi công nữ cần trải qua một số khóa huấn luyện dài hơi và phải đạt được đủ tiêu chí đánh giá.
Khó khăn lớn nhất của Mạch Khanh trên hành trình trở thành phi công là gì?
Vấn đề tài chính chắc chắn là khó khăn lớn nhất. Năm 2018, thời điểm tôi bắt đầu học nghề phi công, học phí rơi vào khoảng 3 tỷ đồng. Sau 6 năm, hiện chi phí đã tăng lên khoảng 7 tỷ đồng, tức hơn 2 lần, khiến tôi càng thêm trân trọng cơ hội mình đã có.
Để tôi có thể theo đuổi ước mơ, gia đình phải "vận động" họ hàng các bên tham gia đóng góp. Gia đình cũng quyết định bán đất để tôi chi trả các khoản phát sinh và tiếp tục quá trình đào tạo tại Mỹ. Trước sự hỗ trợ nhiệt thành và niềm tin yêu của người thân, tôi càng kiên cường và không cho phép mình thất bại.
Ngoài ra, "cảm giác bay" là một thử thách khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp phi công biết chính xác thời điểm cần điều khiển, xử lý tình huống để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Ngoài nắm chắc kiến thức và thực hành bay, một phi công cần học cách cảm nhận được sự thay đổi của "chú chim sắt" trên từng chuyến bay. Vốn dĩ, mỗi ngày bay đều khác nhau, từ số lượng hành khách đến điều kiện thời tiết.
Làm việc trong một ngành nghề vốn do nam giới thống trị có nằm số những khó khăn của bạn hay không?
Hồi mới vào nghề, tôi cũng thấy không thoải mái khi thường nghe những câu hỏi, như "con gái học lái máy bay làm gì", hay "nghề phi công chỉ phù hợp với đàn ông thôi".
Nhưng dần dần, tôi nhận ra mình không cần phải phân bua hay giải thích với bất kỳ ai, chỉ cần tập trung làm tốt công việc của mình.
Hơn nữa, ngành hàng không có rất nhiều nữ phi công tài giỏi và bản lĩnh. Họ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc phụ nữ hoàn toàn có thể thành công và khẳng định vị thế của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả những ngành nghề vốn được coi là dành cho nam giới.
Đúng hay sai khi nói "Nghề phi công dân sự không dành cho người đến từ gia đình không có điều kiện"?
Hiện tôi đồng tình với quan điểm này. Với mức học phí lên tới 7 tỷ đồng, việc theo đuổi ước mơ trở thành phi công quả thực là một thử thách lớn đối với những người không có điều kiện kinh tế vững chắc. Việc phải vay mượn, thế chấp tài sản để trang trải học phí càng khiến con đường trở thành phi công đầy rủi ro.
"Nghề chọn người" hay "người chọn nghề"? Nếu không phải là phi công, Mạch Khanh sẽ trở thành ai?
Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, có lẽ tôi sẽ không liều lĩnh vay mượn một số tiền lớn như vậy để theo đuổi nghề phi công. Thay vào đó, tôi sẽ tìm một hướng đi khác phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình.
Tôi có thể phát triển ngành học trước đây của mình - thiết kế đồ hoạ và kinh doanh, lĩnh vực mà tôi đã có vài năm kinh nghiệm. Hoặc tôi có thể sẽ vẫn tiếp tục công việc nhà sáng tạo nội dung như hiện tại.
Z30 là series của Tri Thức - Znews về những người trẻ tài năng dưới 30 tuổi, mang đến câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình theo đuổi đam mê của họ. Đồng thời, Z30 mang đến góc nhìn mới về lối sống, xu hướng tiêu dùng và sở thích của thế hệ trẻ, qua đó phản ánh thế giới quan và những giá trị họ theo đuổi.