Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng Tây ở Việt Nam: 'Cà phê ngoại không phải hàng cao cấp'

Trước đây, khi rảnh rỗi tôi thường hay ra khu Phú Mỹ Hưng (TP HCM) uống cà phê. Bây giờ, hiếm khi tôi quay lại, bởi đã thay đổi quá nhiều.

Rất nhiều thương hiệu lớn mọc lên với cùng một kiểu cách, nhàm chán, nhân tạo, rất không tự nhiên. Tôi không thích chút nào. Thời gian sống ở Hà Nội, tôi biết nhiều quán cà phê nhỏ nhưng rất đẹp, lãng mạn, có gu trang trí và đồ uống rất “Việt Nam”. Tôi rất thích đến những quán như vậy. Tôi tin không gian ấm áp và gần gũi đó sẽ ảnh hưởng tích cực vào những cuộc trò chuyện.

Gần đây tôi thường xuyên gặp bạn bè ở một quán cà phê ở Nhà Bè, khá xa trung tâm TP HCM. Ở đây phục vụ không tốt bằng những quán cà phê trong trung tâm (đôi khi các cô phục vụ mải mê buôn chuyện). Thỉnh thoảng họ mở cả nhạc cải lương, đó là những gì tôi không thích lắm. 

Ảnh: Scoffee.

So với nhiều nước tôi đã đi qua, tôi nhận thấy rằng người Việt Nam rất thích uống cà phê. Tôi thường xuyên thấy người Việt ngồi hàng giờ ở quán cà phê để nói chuyện, dùng smart phone hoặc laptop. Thực sự tôi cũng thích lắm, đặc biệt khi cần tìm một ý tưởng để viết hay học tiếng Việt, ngồi trong một quán cà phê cũ kỹ, hơi bụi và nhạc Trịnh, cảm giác vô cùng thú vị, cho tôi nhiều ý tưởng hay.

Thế nhưng điều đáng buồn là những quán cà phê mang hồn Việt đang dần bị thay thế bởi những thương hiệu cà phê ngoại nhập và đắt đỏ. Bạn có biết giá của một ly cà phê thương hiệu ngoại cao hơn 97% giá thành sản xuất? Lợi nhuận khủng như vậy nhưng họ đã trả cho nhà sản xuất bao nhiêu tiền? Có lẽ bạn đã biết câu trả lời. Vậy tại sao bạn vẫn lựa chọn loại cà phê đắt để uống, có phải vì đó là thứ cà phê rất cao cấp? Bạn sai rồi. Họ cũng chỉ sử dụng cà phê bình thường.

Giống như nhiều thương hiệu ngoại nhập khác, những chuỗi cửa hàng cà phê mới xâm lược vào Việt Nam là những công ty muốn nhiều lợi nhuận nhất có thể. Bằng kinh nghiệm kinh doanh và chiến lược tiếp thị của họ, những thương hiệu cà phê Việt sẽ khó lòng cạnh tranh và dần mất thị phần vào tay họ, gián tiếp đưa người nông dân trồng cà phê vào khó khăn hơn.

Nếu cho tôi lựa chọn giữa việc trả tiền cho một ly cà phê thương hiệu hay một ly cà phê truyền thống của một quán cà phê Việt Nam, tôi biết tôi sẽ chọn chỗ nào.

Tôi nghĩ các bạn nên ủng hộ cà phê Việt nhiều hơn. Họ cần các bạn giúp nhiều hơn các bạn nghĩ. Hãy chọn một quán cà phê rang xay đậm đà nếu bạn ít tiền, chọn một quán thương hiệu Việt nếu bạn là doanh nhân và muốn không gian yên tĩnh, chọn cà phê nhạc Trịnh nếu bạn muốn một không gian cổ truyền, hoặc, nếu yêu thích một quán cà phê có gu Âu - Mỹ, bạn vẫn có thể tìm đến các thương hiệu Việt.

Ở Canada quê hương tôi, mọi người không có xu hướng tôn sùng các thương hiệu ngoại nhập, thậm chí còn có một tạp chí đứng lên chống lại các thương hiệu và trở thành “người anh hùng” của các thương hiệu nhỏ và mới thành lập.

Hầu hết chúng ta đều phải vất vả làm việc kiếm tiền, hãy tiêu tiền một cách thông minh. Uống một ly cà phê đắt đỏ không làm bạn sang trọng hơn.

Cà phê Việt vào top 11 món ăn Đông Nam Á hấp dẫn

Trang Huffingtonpost vừa giới thiệu đến du khách 11 món ăn nhất định phải thử khi ghé thăm Đông Nam Á, trong đó có cà phê của Việt Nam.


Jesse Peterson

Bạn có thể quan tâm